Tiến tới đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Những ông chủ trẻ sau lũy tre làng

Tiến tới đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Những ông chủ trẻ sau lũy tre làng
TP - Những nông dân trẻ làm giàu từ việc sáng chế ra máy nông nghiệp, mở mô hình HTX thanh niên nuôi thỏ, sáng tạo trong sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương... là những gương sáng điển hình trong số 86 gương thanh niên nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2017.

Thợ sửa chữa xe máy thành nhà sáng chế

Tạ Đình Huy (SN 1982) sinh ra và lớn lên ở xã Thượng Vực (Chương Mỹ, Hà Nội). Học xong phổ thông, Huy không thi đại học mà quyết định học sửa chữa xe máy rồi mở cửa hàng sửa xe. Dù công việc ổn định nhưng Huy luôn canh cánh trong lòng về nông dân ở quê lao động chân tay vất vả, năng suất lao động thấp.

Năm 2005, Huy bắt tay nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp đa năng. Sau thời gian tìm hiểu qua mạng, xem kỹ các mô hình, trực tiếp ra cánh đồng xem bà con lao động, Huy lên ý tưởng, vẽ mô hình máy phù hợp. Qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, anh đã chế tạo thành công chiếc máy có công dụng làm đất, rồi nâng thêm 2 công năng: phun thuốc, bơm nước. Năm 2010, Huy quyết định bỏ hẳn nghề sửa chữa xe máy trong lúc đang ăn nên làm ra để lặn lội đến nhiều tỉnh thành tìm hiểu đặc điểm địa hình, lao động của nông dân.

Năm 2014, Huy cho ra mắt chiếc máy nông nghiệp gồm 8 chức năng hoàn chỉnh có thể cày, bừa, xới tơi đất, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, bơm nước tưới tiêu. Đăng ký bản quyền, công bố sáng chế máy nông nghiệp “8 trong 1”, Huy nổi tiếng cả nước. Sáng chế được đánh giá ưu việt về kỹ thuật và kinh tế. Giá thành một chiếc máy chỉ từ vài triệu đến 13 triệu đồng (tùy vào số lượng công năng), nhưng năng suất lao động gấp hơn 5 lần sức trâu, hơn 10 lần sức người. “Lúc thử nghiệm thành công, mình vỡ òa trong hạnh phúc, rưng rưng nước mắt. Chiếc máy đã hỗ trợ được phần lớn việc nặng nhọc cho bà con nông dân”, Huy nói.

Tiến tới đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Những ông chủ trẻ sau lũy tre làng ảnh 1 Tạ Đình Huy giới thiệu chiếc máy nông nghiệp đa năng do mình sáng chế trong chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2016.

Không dừng lại ở đó, Huy tiếp tục mày mò và tích hợp lên chiếc máy, từ 8 trong 1 lên 10 trong 1 rồi 12 trong 1 và giờ là 15 trong 1 (cày, bừa, phay đất, làm cỏ vườn, tạo hàng để gieo hạt, tạo luống, tời kéo nông lâm sản, đảo phân vi sinh, xẻ rãnh thoát nước, đào hố trồng cây, máy phát điện, kéo rơ móc trong nhà vườn trang trại, đào bồn cà phê, phun thuốc BVTV, bơm tát tưới tiêu).

Đến nay, Huy đã sản xuất hàng nghìn máy theo đơn hàng của nông dân trên cả nước. Sản phẩm của anh đã sang cả thị trường Lào. Ngoài ra, xưởng sản xuất của anh còn đưa ra thị trường nhiều loại máy khác nhau, như: máy chăm sóc cây ngô, máy làm cỏ, máy trồng hoa ly... Anh đã mở nhiều lớp dạy nghề cơ khí cho thanh niên trong xã. Hiện nay, xưởng sản xuất của anh tạo việc làm cho 50 ĐVTN.

Với những đóng góp của mình, Tạ Đình Huy vinh dự được T.Ư Đoàn, Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện, xã tặng nhiều Bằng khen, giấy khen và danh hiệu thi đua. Huy cũng là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016.

Làm giàu từ nghề nuôi thỏ

Nguyễn Mạnh Thắng (SN 1986) ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp ngành Bác sỹ thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thắng trở về quê hương làm cán bộ thú y xã Yên Dương, huyện Tam Đảo và luôn nuôi ước mơ làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương. Ban đầu Thắng nuôi gà thương phẩm, nhưng mô hình không mang lại hiệu quả cao về kinh tế, anh chuyển hướng tìm một mô hình chăn nuôi mới. Qua tìm hiểu trên báo đài, năm 2014, Thắng mua hơn 80 con thỏ giống New Zealand, vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm.

Thắng cho biết, giống thỏ New Zealand có đặc điểm sinh sản tốt, thức ăn cho thỏ dễ kiếm, hơn nữa giống thỏ này lại rất thích hợp với khí hậu ở Việt Nam. “Lúc đầu chưa nắm bắt được kỹ thuật, thỏ hay bị chết do bị bệnh đường ruột, tôi phải thường xuyên đi đến các trang trại khác để học hỏi kỹ thuật. Từ việc vệ sinh máng ăn, máng uống đến vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho thỏ đều phải cẩn thận, sạch sẽ thỏ mới phát triển tốt”, Thắng nói.

Dần tích lũy kinh nghiệm, tình trạng thỏ chết không còn, số lượng thỏ ngày một tăng lên. Mỗi năm, thỏ mẹ đẻ 7 - 8 lứa, mỗi lứa 6 - 7 con. Chỉ 2,5 đến 3 tháng kể từ khi sinh, trọng lượng của thỏ đạt khoảng 2,5 - 3 kg/con. Từ kết quả đạt được, năm 2015, Thắng tiếp tục đầu tư 600 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng VietGAP. Để đầu ra cho thỏ được ổn định, Thắng mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã chăn nuôi Tam Đảo, gồm 7 hội viên và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Lipon joki Việt Nam. Từ đó, đầu ra cho thỏ thương phẩm của Thắng luôn ổn định và thu hút nhiều đoàn viên thanh niên tham gia mô hình, tạo thành một chuỗi các trang trại thỏ, cho thu nhập cao.

Đến nay, trại thỏ của Thắng được nhân rộng lên 500 con thỏ bố mẹ, hơn 2.000 thỏ thương phẩm để cung cấp ra thị trường. Với giá Cty thu mua 178.000 đồng/con thỏ thương phẩm, trừ chi phí, gia đình anh có doanh thu hàng năm đạt 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng.

Lấy chữ tín làm trọng

Anh Nguyễn Văn Thành (SN 1986) ở xã Yên Mỹ (Lạng Giang, Bắc Giang) sinh ra trong gia đình làm nghề mộc. Lớn lên, nhận thấy những sản phẩm mộc của gia đình mình còn giản đơn, Thành luôn ấp ủ một ngày nào đó sẽ làm ra được những sản phẩm đẹp và tinh xảo hơn. Dành thời gian tìm hiểu về kỹ thuật mới trong nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng và đi học thêm tại nhiều xưởng sản xuất lớn ở các tỉnh khác, năm 2011, Thành đầu tư mở xưởng sản xuất đồ gỗ quy mô 150 m2, vốn ban đầu 100 triệu đồng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau hai năm mở xưởng, ngoài các mặt hàng đồ gỗ truyền thống như bàn ghế, giường tủ, Thành còn làm cầu thang, cửa, trần và sàn gỗ, bước đầu tiếp cận được thị trường Bắc Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc... 

Năm 2014, Thành mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ ngân hàng để mua sắm thêm máy móc sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ. Luôn lấy chữ tín làm trọng, cẩn thận, cầu kỳ trong từng chi tiết nên sản phẩm đồ gỗ của xưởng đáp ứng nhu cầu thị trường, được nhiều khách hàng tìm đến đặt mua. Năm 2016, gia đình anh Thành tiếp tục mở rộng thêm ba xưởng, diện tích 500 m2. Cơ sở tạo việc thường xuyên cho 12 lao động, chủ yếu là thanh niên ở địa phương với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, tổng thu nhập gia đình anh Thành đạt 1,6 tỷ đồng.

Sáng 30/11, T.Ư Đoàn tổ chức trao Giải thưởng Lương Định Của. Trong 86 thanh niên được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII, có thanh niên là người dân tộc thiểu số, như: Dao, Giáy, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Thổ,… Các mô hình của 86 thanh niên được nhận Giải thưởng năm nay đã tạo việc làm thường xuyên cho 1.245 lao động, trong đó có mô hình của Tạ Đình Huy, Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Văn Thành.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.