Phát huy vai trò phụ trách Đội, bí thư Đoàn đào tạo kỹ năng sống
Theo anh Lê Văn Thành, chuyên gia huấn luyện kỹ năng (Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam), hiện nhiều bạn trẻ thiếu các kỹ năng sống, ứng xử ngoài xã hội. Nhiều sinh viên ra trường dù với tấm bằng khá giỏi nhưng khó kiếm được việc làm, bởi kiến thức thực tế ngoài xã hội hạn chế, khả năng ứng xử, hoạt động nhóm, tập thể yếu... “Nhiều người trẻ thiếu kỹ năng sống là do dành quá nhiều thời gian cho việc học, trong khi trường học chưa có giáo viên chuyên trách dạy kỹ năng sống, thiếu chương trình giáo dục hoàn thiện. Nhiều giáo viên lúng túng khi vận dụng kiến thức kỹ năng sống trong bài dạy, dù vững chuyên môn nhưng chưa thật sự nắm bắt tâm lý học sinh, sinh viên”, anh Thành nói.
Anh Lê Văn Thành cho rằng, để những bạn trẻ có kỹ năng sống trước khi ra xã hội thì vai trò của thầy cô giáo vô cùng quan trọng. Trong quá trình dạy học các môn chính khóa, giáo viên bộ môn có thể cung cấp cho học sinh một số kỹ năng sống liên quan đến môn học, giới thiệu cho các em những ưu điểm cũng như hiệu quả khi vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Qua đó, tích hợp giáo dục kỹ năng sống trong giờ học chính khóa sẽ đạt được mục tiêu kép: vừa nâng cao chất lượng dạy học các môn chính khóa, vừa góp phần giúp học sinh tự tin vận dụng các kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.
Ngoài các tiết giáo dục kỹ năng sống chính khóa thì hoạt động Đoàn, Đội dưới sự dẫn dắt của giáo viên Tổng phụ trách Đội, bí thư Đoàn trường có tác dụng hỗ trợ cho giáo viên chủ nhiệm thực hiện tốt các chương trình ngoại khóa, nhằm giúp học sinh vận dụng những kỹ năng đã học vào thực tế, từ đó tự tin phát triển năng lực bản thân. “T.Ư Đoàn cần nghiên cứu và có sự tham vấn với Bộ GD&ĐT để sớm có khung chương trình giáo dục kỹ năng sống cụ thể cho từng bậc học để hoạt động này đi vào ổn định, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu như hiện nay. Trong đó, phát huy vai trò nòng cốt của giáo viên phụ trách Đội, bí thư Đoàn các trường”, anh Thành nhấn mạnh.
Tập hợp thanh niên nhờ mạng xã hội
Năm 2011, anh Cao Viết Sinh (SN 1990, Bí thư Đoàn phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội), bắt đầu làm công tác Đoàn của phường. Thời gian đầu tập hợp thanh niên tham gia các buổi sinh hoạt chi đoàn gặp nhiều khó khăn, đoàn viên vắng nhiều, ít ý kiến đóng góp. Anh Sinh cùng ban chấp hành đã tìm nhiều giải pháp thu hút đoàn viên nhưng đều không hiệu quả, cuối cùng anh nhờ đến mạng xã hội.
“Facebook hiện có sức lôi cuốn đoàn viên bởi họ online mọi lúc, mọi nơi khi rỗi. Facebook cũng là một tiện ích rất dễ theo dõi, chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính là chúng ta thấy ngay được thông tin trên đó và mình đã dựa vào nó để tập hợp đoàn viên thanh niên”, anh Sinh cho biết.
Thực tế, Đoàn phường Trần Phú đã tổ chức sinh hoạt, giao ban ban chấp hành Đoàn phường qua fanpage Facebook từ năm 2011. Số lượng ĐVTN tham gia fanpage Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Trần Phú, đến nay có hơn 1.000 thành viên. Việc thông báo các hoạt động đoàn, kế hoạch sinh hoạt đoàn hằng tháng hay tuyên truyền, giới thiệu về những hoạt động…, đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều bạn trẻ. Nhiều vấn đề đưa ra được các ĐVTN bàn bạc, thảo luận sôi nổi, có nhiều ý kiến hay. Hoạt động Đoàn đã trở nên thực tiễn và gần gũi hơn với người trẻ.
Hỗ trợ cán bộ Đoàn học tập, nghiên cứu
Chị Giang Ngọc Hằng (SN 1983), Bí thư Đoàn Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM cho rằng, Đoàn cần có cơ chế huy động vốn, kinh phí cho ĐVTN. Cán bộ Đoàn vay không lãi suất để phục vụ việc học tập, nghiên cứu. Chị Hằng cho biết, năm 2011 nhận nhiệm vụ làm Bí thư Đoàn cơ sở, chị trăn trở nhiều ĐVTN, cán bộ Đoàn có nhu cầu, nguyện vọng học tập lên nữa nhưng do điều kiện kinh tế gia đình, công việc không cho phép. Việc này gây lãng phí nguồn nhân lực cũng như làm giảm nhiệt huyết công việc và khát khao cống hiến của người trẻ. Chị Hằng đã mạnh dạn đề xuất vận động nguồn quỹ “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Sài Gòn Co.op”, làm nguồn kinh phí cho ĐVTN khó khăn vay không lãi suất để trang trải học phí. Đến nay, chị đã huy động được tổng kinh phí hàng năm là hơn 300 triệu đồng. “Nhiều ĐVTN, cán bộ Đoàn sau khi được hỗ trợ đã học tập tốt, cống hiến nhiều cho tổ chức, đơn vị công tác và phát triển hơn những sở trường bản thân, nâng cao nhận thức trách nhiệm, công việc, yêu nghề. Chúng tôi đang cố gắng mở rộng mô hình”, chị Hằng cho biết.
Có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động đoàn ở các xã vùng cao, chị Vàng Thị Mai, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết: Thực tế có nhiều mô hình Đoàn, Hội Vùng biên như: Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên, mốc giới tại các xã giáp biên; chăn nuôi bò, dê sinh sản… đã tạo môi trường cho thanh niên được gần gũi, trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và trong đời sống. Tuy nhiên, như ở các xã thuộc huyện Mèo Vạc, trình độ hiểu biết của một bộ phận thanh niên còn thấp, dân cư sống không tập trung gây ảnh hưởng đến việc tập hợp, giáo dục và tuyên truyền.
“Một số người làm công tác Đoàn chưa phát huy tốt vai trò làm cầu nối giữa thanh niên với chính quyền, chưa chủ động trong công tác tập hợp thanh niên. Đoàn cấp trên cần tiếp tục mở các khóa học ngắn hạn dành cho cán bộ Đoàn cơ sở, đặc biệt với những người công tác trái ngành. Cán bộ Đoàn vùng cao cần chủ động trau dồi khả năng nói tiếng địa phương, dân tộc để hiểu, chia sẻ với người dân. Biết tiếng dân tộc là cầu nối hiệu quả nhất để kết nối ĐVTN vùng cao với chính quyền, giúp thanh niên vùng cao lập nghiệp”, chị Mai đề xuất.
“T.Ư Đoàn cần nghiên cứu và có sự tham vấn với Bộ GD&ĐT để sớm có khung chương trình giáo dục kỹ năng sống cụ thể cho từng bậc học để hoạt động này đi vào ổn định, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu như hiện nay. Trong đó, phát huy vai trò nòng cốt của giáo viên phụ trách Đội, bí thư Đoàn các trường”.
Anh Lê Văn Thành