Tiền Phong ở điểm nóng thế giới

Tiền Phong ở điểm nóng thế giới
TP - Đến dinh thự Thủ tướng Thái Thaksin ngay sau ngày bị đảo chính; giáp mặt ứng viên Tổng thống Mỹ, vào hầm ngầm Nhà Trắng… là những dấu ấn đặc biệt của PV Tiền Phong.

> Thượng viện Thái Lan bác bỏ dự luật ân xá
> Ai Cập chấm dứt tình trạng khẩn cấp

Suýt bị bắn trong đảo chính Thái Lan

Tối muộn 19/ 9/2006, đảo chính quân sự Thái Lan rúng động toàn thế giới. Họp giao ban sáng 20/9, Ban Biên tập lần đầu trong lịch sử báo Tiền Phong cử phóng viên trực tiếp vào điểm nóng ở nước ngoài.

Các vấn đề hậu cần được chuẩn bị siêu tốc với sự hỗ trợ trực tiếp của Ban Biên tập. Tôi cũng chỉ kịp quay về nhà vơ vội bộ quần áo và phương tiện tác nghiệp rồi lao ra sân bay Nội Bài vừa kịp chuyến bay tới Bangkok khởi hành lúc 16 giờ 20/9.

Ngay khi xuống sân bay lúc 18 giờ, tôi thoáng lo lắng vì chỉ còn vài tiếng nữa đến “lệnh giới nghiêm” không ai được phép ra đường, đặc biệt là điểm nóng Phủ Thủ tướng, trụ sở Bộ quốc phòng và tài xế taxi cũng từ chối chở khách tới đó vì sợ quân đội xả súng bắn.

Các sự kiện đặc biệt dồn dập đến, thậm chí có thời điểm như chiều 6/11 (giờ Mỹ) tại sân bay quốc tế Cleveland Hopkins, bang Ohio, tôi cùng lúc giáp mặt cả 3 ứng cử viên của hai đảng (chỉ thiếu ông Obama)

Cuối cùng thì tôi cũng tới được các điểm nóng, chụp ảnh cùng binh lính súng lăm lăm trong tay, xe tăng và phỏng vấn nhiều người dân… để có được bài tường thuật trung tâm của số báo phát hành sáng 21/9.

Điều đặc biệt, bài viết mang tên tôi, nhưng người chắp bút là nhà báo Việt Hùng, hồi đó là Trưởng Ban điện tử. Do không có thời gian để viết, tôi đã tường thuật qua điện thoại cho nhà báo Việt Hùng chắp bút để kịp quy trình xuất bản.

Ngày thứ 3 ở Bangkok, tôi tìm đến tư dinh Thủ tướng Thaksin bị lật đổ với hy vọng có được bài viết độc đáo. Tuy nhiên, cả 5 ngõ dẫn vào tư dinh ông Thaksin đều bị phong tỏa bởi quân đội. Sau một buổi lân la thuyết phục chỉ huy quân đội chốt chặn đầu ngõ 69 nổi tiếng (được người Bangkok gọi là "ngõ thủ tướng"), tôi được phép ngồi sau xe ôm đi vào, nhưng phải để lại mọi phương tiện tác nghiệp.

Đoạn đường từ đầu ngõ 69 vào tới căn biệt thự gia đình ông Thaksin khoảng 400m được chốt chặn bởi vài tốp lính, nhưng chúng tôi không bị kiểm tra có lẽ vì nhìn anh xe ôm đã quen mặt.

Biệt thự 2 tầng của ông Thaksin được bao quanh bởi nhiều cây xanh và bốn bức tường cao khoảng 2m sơn màu trắng ngà. Hai cánh cổng sắt màu vàng thể hiện sự tôn kính Nhà Vua được thiết kế hoa văn truyền thống đóng im ỉm. Tấm bảng màu vàng trước cổng in dòng chữ tiếng Thái đọc là Chăn sòng la (Ánh trăng rọi xuống đất).

Bên ngoài, các binh lính thuộc lực lượng đảo chính đang nói chuyện khá thoải mái với nhau. Nhưng khi tôi “nhìn trộm” vào phía trong qua khe hở của cánh cửa vàng ngày lập tức họ giương súng định bắn cảnh cáo (Bangkok đang trong tình trạng “thiết quân luật”).

Anh xe ôm sợ quá vội nói thật to để giải thích và quay đầu xe, nhưng tôi đã kịp thấy bên trong có khoảng chục lính gác và cả những người mặc quần áo dân thường. Trong ngõ 69 này có hàng trăm hộ dân khác cùng sinh sống, nhưng dinh ông Thaksin nổi bật nhất với hơn 60m mặt tiền.

Sau này tôi mới được biết, chỉ có Đài truyền hình quốc gia Thái Lan mới được phép quay, phát hình tư dinh ông Thaksin và không có phóng viên nước ngoài nào đến được đây trong những ngày ngay sau đảo chính.

Giáp mặt ứng viên Tổng thống Mỹ

Tôi đặt chân tới Mỹ 1 tuần trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống tháng 11/2012 với áp lực lớn: Làm sao tạo khác biệt khi nhiều tờ báo lớn khác ở Việt Nam đều cử phóng viên tới đưa tin và các đàn anh báo Tiền Phong đã rất thành công từ sự kiện này trước đây? Một chút may mắn, liều lĩnh và việc lựa chọn điểm đến là 3 bang "bản lề" cùng sự trợ giúp từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đưa tôi vào những khoảnh khắc mà có lẽ từ trước đến nay chưa một phóng viên Việt Nam nào có được.

Bức ảnh hiếm hoi mà PV Tiền Phong chụp được trong hầm ngầm Nhà Trắng. Phía cuối đường hầm là biển Exit (lối ra), nhưng chưa nhà báo nào được đi qua đó
Bức ảnh hiếm hoi mà PV Tiền Phong chụp được trong hầm ngầm Nhà Trắng. Phía cuối đường hầm là biển Exit (lối ra), nhưng chưa nhà báo nào được đi qua đó.

Dù đã đăng ký từ trước để được tiếp cận các ứng cử viên vào Nhà Trắng, nhưng tôi hầu như không có hy vọng bởi việc vào vòng trong sự kiện này hiếm khi dành cho phóng viên nước ngoài.

Tuy nhiên, cơ may đã đến khi ngày 1/11 tại sân bay Tampa, bang Florida (một trong 3 bang có vai trò quyết định trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012) tôi bất ngờ nhận được giấy thông hành nên tiếp cận được ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney ngay sát chuyên cơ của ông và đã có loạt bài và ảnh về sự kiện này.

Tại sân bay quốc tế Cleveland Hopkins, bang Ohio nơi có 2 chiếc chuyên cở của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ cùng xuất hiện trong buổi sáng 4.11. Ảnh: Trí Đường
Tại sân bay quốc tế Cleveland Hopkins, bang Ohio nơi có 2 chiếc chuyên cở của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ cùng xuất hiện trong buổi sáng 4.11. Ảnh: Trí Đường.

Sáng 4/11 cũng nhờ tấm vé đăng ký sớm, tôi may mắn được đứng vào dòng người xếp hàng khoảng 5 tiếng giữa tiết trời buốt giá để sau đó được diện kiến ứng viên Phó Tổng thống Joe Biden và phu nhân tại trường trung học Lakewood, TP Cleveland, bang Ohio.

Ngày 5/11, tại trung tâm hội nghị Coliseum ở St.Petersburg (cũng ở bang Florida), tôi dễ dàng tiếp cận với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton người thực hiện các chuyến đi con thoi nhằm vận động ủng hộ cho ông Barack Obama thuộc đảng Dân chủ mà không vấp phải sự kiểm tra an ninh nào như các sự kiện trước.

PV Tiền Phong tiếp cận ứng viên Tổng thống Mỹ Romney tại sân bay Tampa, bang Florida ngày 1/11/ 2012
PV Tiền Phong tiếp cận ứng viên Tổng thống Mỹ Romney tại sân bay Tampa, bang Florida ngày 1/11/ 2012.

Chỉ ít giờ trước khi chính thức bắt đầu ngày bầu cử, tôi đã vượt gần 40 km giữa tiết trời buốt giá ở bang Ohio để tới sân bay khu vực Youngstown-Warren tham dự cuộc vận động tranh cử lúc nửa đêm của ứng viên Phó Tổng thống đảng Cộng hòa Paul Ryan. Tôi đứng cách chuyên cơ của ông chỉ khoảng 20m, ngay sát bục phát biểu và thậm chí còn được ông bắt tay nói lời cảm ơn như với một cử tri Mỹ.

Đêm phán quyết (6/11 theo giờ Mỹ), khác với những lần trước, không phải đăng ký, tôi trong vai cử tri ủng hộ ông Obama đã thức trắng đêm ở Cuyohoga - người Việt gọi là “cụ già ho gà” (thánh địa của đảng Dân chủ, ở TP Cleveland, bang Ohio).

Cách đó không xa, tại Hội quán Holiday Inn, của đảng Cộng hòa, các đồng nghiệp nước ngoài của tôi đã không may mắn khi tham dự bởi đảng này lại thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Các sự kiện đặc biệt dồn dập đến, thậm chí có thời điểm như chiều 6/11 (giờ Mỹ) tại sân bay quốc tế Cleveland Hopkins, bang Ohio, tôi cùng lúc giáp mặt cả 3 ứng cử viên của hai đảng (chỉ thiếu ông Obama).

Ứng viên phó TT Mỹ Paul Ryan tranh cử lúc nửa đêm cùng vợ và 2 con tại sân bay Youngstown-Warren, bang Ohio, ngay phía sau là chuyên cơ
Ứng viên phó TT Mỹ Paul Ryan tranh cử lúc nửa đêm cùng vợ và 2 con tại sân bay Youngstown-Warren, bang Ohio, ngay phía sau là chuyên cơ.

Suốt hành trình tác nghiệp, điều đáng tiếc nhất là tôi đã không thể trực tiếp tham dự sự kiện nào của ông Obama do lịch trình vận động tranh cử của ông thay đổi vào phút chót. Ngay cả lần ra mắt đầu tiên của Tổng thống Obama tại Nhà Trắng sau khi tái cử, tôi cũng không được tiếp cận ông bởi địa điểm thay đổi.

Tuy nhiên, bù đắp cho việc này, các nhân viên Nhà Trắng đã cho phép tôi cùng các đồng nghiệp đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và New Zealand được vào hầm ngầm, một trong những bí mật lớn nhất của Nhà Trắng.

5h30 chiều 9.11.2002 tại Nhà Trắng bắt đầu lên đèn chuẩn bị cho ông Obama xuất hiện lần đầu sau khi tái đắc cử
5h30 chiều 9.11.2002 tại Nhà Trắng bắt đầu lên đèn chuẩn bị cho ông Obama xuất hiện lần đầu sau khi tái đắc cử.
Nhà Trắng nhìn từ bên trong chiều tối 9.11 - ngày đầu tiên Tổng thống Obama xuất hiện sau khi tái đắc cử. Trời tối bên ngoài vẫn còn nhiều người nán lại
Nhà Trắng nhìn từ bên trong chiều tối 9.11 - ngày đầu tiên Tổng thống Obama xuất hiện sau khi tái đắc cử. Trời tối bên ngoài vẫn còn nhiều người nán lại.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG