Tiền Phong Marathon 2020: Dấu chân nơi đảo thiêng

Mô hình một chiếc ghe câu những binh phu từng sử dụng trong những chuyến hải trình tìm kiếm sản vật, đo đạc và cắm mốc chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa hơn 200 năm trước. Ảnh: Hùng Cường
Mô hình một chiếc ghe câu những binh phu từng sử dụng trong những chuyến hải trình tìm kiếm sản vật, đo đạc và cắm mốc chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa hơn 200 năm trước. Ảnh: Hùng Cường
TP - Ngày 4-5/7 tới, giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong (Tiền Phong Marathon) sẽ lần đầu tiên diễn ra trên một hòn đảo trong lịch sử 61 năm phát triển. Càng ấn tượng hơn khi hàng nghìn VĐV có cơ hội ghi dấu chân trên hòn đảo thiêng của Tổ quốc- đảo tiền tiêu Lý Sơn.

Lý Sơn- huyền thoại hùng binh Hoàng Sa

Nhắc tới Lý Sơn (Quảng Ngãi), người yêu thích nội trợ nghĩ ngay tới sản vật nổi tiếng của hòn đảo này và đã trở thành thương hiệu trên thị trường: Tỏi mồ côi Lý Sơn. Vậy nhưng, trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt, Lý Sơn còn là địa danh gắn với những đội hùng binh vươn khơi bám biển, khai phá biển Đông và cắm mốc xác định chủ quyền biển cả cho Tổ quốc từ hàng trăm năm trước.

Từ thế kỷ 17, chúa Nguyễn đã lập ra một đội chuyên trách, được gọi là đội hùng binh Hoàng Sa, gồm 70 người, là ngư dân ở Lý Sơn, hằng năm ra Hoàng Sa đánh bắt và thu lượm sản vật về dâng nạp cho triều đình. Từ chức năng ban đầu chỉ là khai thác sản vật, về sau họ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, với chuyến đi của Phạm Hữu Nhật theo lệnh vua Minh Mạng năm 1836, hay chuyến đi của Phạm Quang Ảnh thời vua Gia Long năm 1815.

Những chuyến đi mở mang bờ cõi đó hầu hết là những hải trình một đi không trở lại. Vì vậy, trước khi đi, mỗi binh phu đều mang theo một đôi chiếu, nẹp tre, dây mây và thẻ tre ghi phiên hiệu, quê quán. Khi chuyện xấu xảy đến, đồng đội sẽ sử dụng chiếu để bó xác, dùng nẹp tre nẹp lại và dây mây quấn chặt, cài thẻ tre vào và thả người xấu số xuống biển.

Cũng bởi các binh phu một đi không trở lại, người thân ở nhà chỉ có thể đắp cho họ một ngôi mộ chiêu hồn, hay còn gọi là mộ gió. Ngày nay, những ngôi mộ gió của đội hùng binh Hoàng Sa nằm rải rác trên đảo Lý Sơn. Bước chân lên đảo, từ bến tàu đi thêm chỉ chừng 50m, bạn sẽ đến một khu mộ gió ngay cạnh ngôi chùa mang tên Âm Linh Tự thờ những binh phu có công với nước. Để tưởng nhớ công lao của họ, hằng năm trên đảo Lý Sơn thường tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng 3 âm lịch.

Ngay khi đặt chân lên đảo Lý Sơn, cách bờ biển Quảng Ngãi, cảng Sa Kỳ 15 hải lý (gần 30km) với hơn 30 phút chạy tàu cao tốc, một cảm giác linh thiêng, một niềm tự hào bỗng chốc trào dâng, xâm chiếm tâm hồn bạn. Dường như cảm giác đó vốn vẫn lẩn khuất đâu đó sâu thẳm trong con người bạn, chỉ chực chờ một chất xúc tác, một tia lửa để bùng cháy lên, khiến lòng ta rung động. Vẻ như, ở nơi đây, linh khí hồn thiêng sông núi, hồn thiêng dân tộc đậm đặc tới mức ta có cảm giác như được nương tựa vào một điểm tựa vững chắc, một điểm tựa giúp cho ta có thể nâng bổng cả địa cầu, giống như cảm giác mà ta cảm nhận được khi đặt chân tới khu di tích Bạch Đằng giang, nơi ghi lại chiến công hào hùng của 3 vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lê Hoàn, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đánh tan 3 đạo quân xâm lược phương Bắc.

Và một khi đã đặt chân lên Lý Sơn, hẳn bạn cũng không thể không bước chân vào khuôn viên Nhà tưởng niệm Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, để nghiêng mình trước những binh phu đã xả thân trong những hải trình mở mang bờ cõi, hay ngắm nhìn những hiện vật có giá trị lịch sử không thể bàn cãi về chủ quyền của Tổ quốc với quần đảo Hoàng Sa, lắng nghe giọng thuyết minh ngọt ngào và lôi cuốn của những hướng dẫn viên về công cuộc mở mang và bảo vệ vùng biển Hoàng Sa vốn được vua Minh Mạng cực kỳ coi trọng (Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu-vùng biên giới biển Hoàng Sa vô cùng quan trọng đối với nước ta).

Giải VĐQG Tiền Phong Marathon lần thứ 61-2020 diễn ra ngày 4-5/7/2020 quy tụ hơn 200 VĐV chuyên nghiệp đến từ 27 đoàn thuộc các tỉnh, thành, ngành cùng 1.500 VĐV phong trào trong nước và quốc tế. Các VĐV thi đấu ở 2 hệ chuyên nghiệp và phong trào ở 4 nội dung: 5km, 10km, 21,1km và 42,195km.

Tiền Phong Marathon 2020: Dấu chân nơi đảo thiêng ảnh 1
MỚI - NÓNG
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
TPO - Thủ đô Hà Nội chịu ảnh hưởng của bão số 3 ( tên quốc tế YAGI) tác động trực tiếp khi nằm trên trục di chuyển của cơn bão sau khi đổ bộ đất liền. Trong 24 giờ qua Hà Nội có mưa dông và gió giật dữ dội, dự báo trong ngày 8 - 9/9 khu vực vẫn nằm trong ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão.