Với Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong (Tiền Phong Marathon 2020), lần đầu tiên một cuộc thi marathon vô địch quốc gia được tổ chức trên một hòn đảo tại Việt Nam. Lại là hòn đảo đặc biệt như Lý Sơn.
Chạy trên công viên địa chất toàn cầu. Chạy bên núi lửa, đá đen, cờ đỏ, biển xanh, mây trắng. Chạy giữa vương quốc “vàng trắng”, giữa xứ sở của những trầm tích lịch sử, văn hóa tâm linh và thiên nhiên kỳ thú. Và trên hết, là đường chạy thiêng liêng của tư thế Việt Nam, khát vọng chủ quyền biển đảo Việt Nam.
“Cảm nhận đảo thiêng bằng đôi chân của mình. Chạy đến Lý Sơn. Marathon đấy” như lời tâm sự ngắn gọn của Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, Phó Ban tổ chức giải, ông Nguyễn Minh Trí.
Đường chạy hào hùng của tuổi trẻ, của sức trẻ. Từ cuộc đua Việt dã Tiền Phong đầu tiên ngày 25/12/1958, tại vườn hoa Bách Thảo (Hà Nội) chỉ mấy năm sau ngày chúng ta từ rừng núi về tiếp quản Thủ đô mọi thứ còn ngổn ngang, bề bộn. Cho đến đường chạy vùng núi non Hòa Bình bên sông Đà giữa khi máy bay Mỹ thả bom, mà vận động viên (VĐV) như Bùi Lương, người từng 20 năm chạy Việt dã Tiền Phong và 9 lần vô địch, bị dính mảnh bom vào đùi trên đường chạy nhưng vẫn quyết tâm về đích.
Còn giờ đây, cảm giác sẽ thế nào khi trên cung đường biển quanh đảo rộng chỉ 10 cây số vuông, cùng tung sức sải những bước chạy vũ bão là 2000 VĐV trong và ngoài nước, chiếm tới 10% dân số của đảo? Mật độ runner kỷ lục có lẽ không chỉ tại Việt Nam mà còn với các đường chạy marathon thế giới. Rất đông người đăng ký tham gia đường chạy Lý Sơn, nhưng đành ngậm ngùi, vì khuôn khổ nhỏ nhắn của đảo không cho phép mở rộng số lượng thêm nữa.
Cảm giác thế nào khi cung đường chạy phủ kín sắc đỏ hừng hực tung gió biển khơi của 3.000 lá cờ Tổ quốc? Chạy bên thềm những ngọn núi lửa triệu năm. Ngang qua những nấm mộ gió của những hùng binh từ mấy trăm năm trước đã không quản gian nguy vượt đại dương trên những chiếc thuyền nhỏ để dựng bia, cắm mốc chủ quyền lên các hòn đảo của Hoàng Sa thân yêu, và đã để lại thân xác giữa biển khơi. Ngang qua những nụ cười rám nắng, những đôi tay vẫy khỏe khoắn của những cư dân Lý Sơn, những người suốt đời làm những cột mốc sống giữ chủ quyền biển đảo, bất chấp mọi dông bão, bất chấp mọi xua đuổi, bắt bớ đánh đập, bất chấp vòi rồng súng lửa từ phía Trung Quốc ngăn cản họ thực thi chủ quyền với Hoàng Sa.
Từ hơn 400 năm trước, tổ tiên của tôi từ làng biển An Hải, An Vĩnh nơi vùng cửa biển Sa Kỳ vẫn được gọi với cái tên quen thuộc là Ba Làng An (thuộc hai huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh - Quảng Ngãi bây giờ) dong thuyền vượt hơn 15 hải lý ra khai khẩn Lý Sơn. Tiếp bước và thay thế những cư dân của nền văn hóa Sa Huỳnh gần 3000 năm trước, và những cư dân nền văn hóa Chămpa sau này.
Lý Sơn xa xưa được gọi với cái tên Cù Lao Ré. Có nhiều ngày dài bị “mắc kẹt” lại với Lý Sơn vì bão biển, tôi lang thang đi tìm cây ré, loài cây mọc hoang được những cư dân đầu tiên nơi đây lấy đặt tên cho đảo. Những cây ré bát ngát quanh đảo, mà từ 30 năm trước lần đầu ra đảo tôi còn bắt gặp, nay dường như chỉ còn trong trí nhớ người già. Cũng như loài cây mù cu, bây giờ hầu như cũng đã thất truyền, được lấy đặt tên cho hòn Mù Cu, điểm nhô xa nhất về phía Đông của Lý Sơn.
Đi tìm những thứ đã mất, để nghĩ về những gì đang còn đây. Như những nắm cát lấy từ các đảo Hoàng Sa, những thân phi lao - một dạng san hô đen chỉ mọc sâu dưới đáy biển Hoàng Sa, tôi được những đứa cháu lấy mang về tặng làm kỷ niệm sau những chuyến biển đầy bão tố. Những hạt cát Hoàng Sa trắng, mịn và nặng hơn bình thường, giờ đây đều hiện diện trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình ở Lý Sơn, như một lẽ thường tình.
Tại lễ đặt đá khởi công xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đỉnh núi Thới Lới một ngày đầu xuân hồi mấy năm trước, những nắm cát Hoàng Sa nặng trĩu thiêng liêng ngư dân Lý Sơn mang về từ quần đảo chủ quyền của Tổ quốc đã được trang trọng đặt dưới phiến đá đầu tiên của Khu tưởng niệm.
“Chiều mai ngày 4/7” tới đây, cũng trên đỉnh núi 169 mét cao nhất Lý Sơn từng là ngọn núi lửa triệu năm về trước này, hàng ngàn đại biểu, VĐV tham gia Tiền Phong Marathon sẽ trang trọng tham dự nghi thức thượng cờ Tổ quốc trên cột cờ lớn. Giây phút ấy, còn cảm xúc nào thiêng liêng hơn. Tưởng nhớ những hùng binh nghĩa sĩ Hoàng Sa “Thân ấy mất mà danh ấy còn sống mãi/ Xót thương thay, liều thân vì Tổ quốc, quân vụ biên phòng chạnh niềm viễn xứ...”. Như lời điếu người lính Hoàng Sa vẫn rưng rưng vang lên nhắc nhủ tại lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức vào mỗi tiết tháng 3 âm lịch hằng năm trên đảo tiền tiêu Lý Sơn…
Đường chạy Việt dã Tiền Phong ngày ấy, đường chạy Tiền Phong Marathon bây giờ, đã kéo dài suốt 61 năm ròng rã bất chấp mọi gian khó, nguy nan, giờ đây tiếp tục nối dài ra giữa biển Đông, với những bước chân tràn trề sức trẻ, nhiệt huyết, hòa quyện tinh thần thể thao với tình yêu đất nước, biển đảo thiêng liêng.