Tiền công đức, đốt vàng mã: Bó tay, không quản được

Bộ sẽ có giải pháp hạn chế đốt vàng mã. Ảnh: H. Nguyễn
Bộ sẽ có giải pháp hạn chế đốt vàng mã. Ảnh: H. Nguyễn
TP - Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nêu thực tế, nhiều cơ quan ban ngành không chịu phối hợp với Bộ VH-TT&DL để ra thông tư hướng dẫn quản lí tiền công đức. Giải pháp để hạn chế đốt vàng mã cũng là một nội dung khác được quan tâm, tại sơ kết công tác quản lí và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm, diễn ra sáng 6/6.

Khó như quản tiền công đức

Điều 7 của Thông tư liên tịch, hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo ghi rõ: Người phụ trách (trụ trì), BQL cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

“Tồn tại lớn nhất của lễ hội toàn quốc là vấn đề tiền, quản lý tiền như thế nào. Cơ chế thị trường đề cao vai trò tiền. Người ta làm lễ hội to cũng vì tiền, người ta muốn thành lập BQL di tích cũng vì tiền. Các di tích là dịch vụ để thu tiền. 

Làm sao quản được số tiền đó, mấu chốt đó không giải quyết được thì không tổ chức tốt được lễ hội”, ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai nói. Tuy nhiên, ông Sơn cũng than “thông tư được khao khát nhất lại quá chung chung”.

Đại diện Sở VH-TT&DL Bắc Ninh cũng đồng tình, vì hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước không nắm được nguồn thu công đức. “Thông tư ra chung chung, không biết sau này về địa phương có phải chế thêm quy định nào không, nếu không lại tiếp tục như thế. Mà chế thêm thì phạm luật”, vị này nói.

“Thông tư này được chuẩn bị bảy, tám năm nay, nhưng các cơ quan ban ngành không thể thỏa thuận được với Bộ. Người ta phản ứng bằng cách không tham gia. Nếu cứ tình hình này thì bảy năm nữa cũng không ra được thông tư.

Trong pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo không đưa vấn đề. Họp biết bao nhiêu lần, tốn biết bao nhiêu tiền cũng không ra được thông tư chung, cuối cùng Bộ cùng Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) thống nhất ra thông tư, qua thực tiễn các địa phương góp ý, sẽ bổ sung vào thông tư mới”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái phân trần.

Đốt vàng mã, không thể cấm

“Vàng mã có từ ngàn xưa, thuộc tín ngưỡng của người dân, cần tôn trọng, nhưng cũng không thể thái quá đến mức trần sao âm vậy. Có những ông chỉ sợ mình chết, làm đủ các thứ giải hạn, hàng tấn vàng mã”, ông Trần Hữu Sơn nói. PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia VN cho rằng, sau nhiều năm cấm đoán, đến khi được tự do thì bùng nổ, dẫn đến lãng phí, ảnh hưởng môi trường. 

Giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai lấy ví dụ, dịp lễ hội có người cúng con ngựa của ông Hoàng Bảy to như con voi. Đại diện của tỉnh Phú Thọ kể, có người cung tiến chiếc thuyền mã trị giá 15 triệu đồng, thờ không có chỗ, mà đốt thì tiếc của.

Mùa lễ hội 2014, đền Bà Chúa Kho bớt hiện tượng đốt đồ mã, tuy nhiên lãnh đạo Sở Bắc Ninh thừa nhận, nhà đền phân thành các túi nhỏ, tán lộc cho các du khách mang về. Thành ra không đốt tại đền, nhưng vẫn đốt ở chỗ khác, gây lãng phí.

Bất cập giữa quy định và thực tế cũng khiến nhiều cơ quan quản lí không thể xử lí vi phạm. “Nghị định 103/2009 của Chính phủ có quy định cấm đốt đồ mã nơi công cộng. Nhưng Nghị định 158/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt trong lĩnh vực VH-TT&DL và quảng cáo, thì là chỉ ghi là đốt vàng mã không đúng nơi quy định bị xử phạt từ 500 đến 1 triệu đồng”, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ nói.

Thiếu quy định nên khó quản!

“Đã đến lúc phải quản lý chi tiết, không chung chung nữa. Điểm yếu nhất trong quản lí lễ hội hiện giờ là thiếu văn bản quy phạm pháp luật”, ông Trần Hữu Sơn nói. Ông Phạm Xuân Phúc nêu ý kiến, nếu đốt đồ mã không thể xóa bỏ thì nên có quy định cụ thể. Có đại biểu đề xuất cần quy định rõ, số lượng ít hay nhiều, kích thước, trọng lượng.

Bộ giao Viện VHNT Quốc gia xây dựng giải pháp hạn chế đốt vàng mã tại các di tích, lễ hội-đang trong giai đoạn thực hiện. Ông Lương Hồng Quang cũng cho rằng, không phải bài trừ, vấn đề là quản lý trước sự bùng nổ một cách thái quá và đặc biệt khi có sự sai lệch về ý nghĩa văn hóa, tâm linh.

“Sự vào cuộc của trụ trì, chủ cơ sở thờ tự là rất cần thiết: Họ có vị thế, hiểu biết và có khả năng hướng dẫn người thực hành. BQL có vai trò hướng dẫn, xây dựng, và đặc biệt bố trí các nơi thực hành thờ tự, nơi đốt vàng mã. Giáo dục cho người thực hành về ý nghĩa của việc dùng mã, đốt mã trong nghi lễ thờ cúng.

Nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành nghi lễ, nếp sống văn minh trong cung tiến đồ mã, vàng mã và đốt nó như thế nào. Hoàn chỉnh hệ thống luật pháp: Sản xuất, tiêu thụ không thuộc lĩnh vực do Bộ VH-TT&DL quản lí, nhưng sử dụng nó như hành vi văn hóa là việc của Bộ”, ông Quang nói.

Đừng đổ hết cho dân
Liên quan đến việc đưa đồ lạ vào nơi thờ tự, ông Phạm Xuân Phúc nói: “Những đồ thờ tự như tượng, lộc bình, tượng đá, sư tử đá... đều phải bỏ ra lượng tiền lớn để mua.

Người ta mua, công đức vào di tích thì phải đặt vấn đề trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhất là người dân bình thường liệu họ có tiền mà làm việc đó không? Phải xác định đối tượng để điều chỉnh, chứ còn cứ nói chung là dân, đôi khi người dân bình thường rất oan uổng, họ cãi chúng tôi đấy”.


MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.