Theo PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), sau khi tiêm mũi 1 giai đoạn 2 vắc-xin Nano Covax, một số tình nguyện viên có triệu chứng như sốt nhẹ, đau chỗ tiêm, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… nhưng đều hết nhanh, không cần can thiệp y tế.
Giai đoạn 2 có 560 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử, mở rộng đối tượng từ 18 đến trên 60 tuổi, trong đó, một số người có bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1... không quá nặng. Đợt tiêm thử nghiệm Nano Covax giai đoạn 2 được tổ chức tại Học viện Quân y và Viện Pasteur TPHCM (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An). 560 tình nguyện viên được chia thành 4 nhóm tiêm thử ở giai đoạn 2 của đợt thử nghiệm lâm sàng, trong đó, 80 người được tiêm giả dược, các tình nguyện viên còn lại được chia tiêm 3 nhóm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Đợt tiêm thử nghiệm lần này có 105 tình nguyện viên trên 60 tuổi; tình nguyện viên cao tuổi nhất 76 tuổi.
Nano Covax là vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người, do Công ty Cổ phần Công nghệ Nanogen nghiên cứu, phát triển.
“Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe sau khi tiêm của 560 tình nguyện viên đều ổn định, vắc-xin phòng COVID-19 Nano Covax khá an toàn với người được tiêm và các tình nguyện viên sẵn sàng tiêm thử nghiệm mũi 2 của giai đoạn này”, ông Mến thông tin. Việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 được tổ chức tại hai điểm cầu có thể giúp rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu còn 3 tháng thay vì 6 tháng, nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.
Dự kiến, sau khi báo cáo sơ kết kết quả thử nghiệm vào tháng 5, Học viện Quân y sẽ báo cáo Bộ Y tế và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn 2, cho phép xây dựng một liều tiêm; chuẩn bị song song vừa hoàn thiện giai đoạn 2 vừa tiêm giai đoạn 3.
Kiểm tra phòng dịch và tiêm vắc-xin tại Hà Nội
Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch và triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 tại Hà Nội. Sở Y tế Hà Nội đang tổ chức 3 đoàn kiểm tra đánh giá bệnh viện an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đã tăng cường việc phân luồng, khám sàng lọc, xét nghiệm.
Về công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19, theo phân bổ, Hà Nội có 8.000 liều. Đến nay, các đơn vị đã tổ chức tiêm được 6.690 mũi. Trong số 6.690 người được tiêm, có 12 trường hợp phản ứng nặng; 2.222 trường hợp phản ứng thông thường như: sưng đau tại chỗ tiêm, nôn/buồn nôn, tiêu chảy/đau bụng, sốt, đau họng, chảy nước mũi, ho, ớn lạnh, chóng mặt, nổi hạch, phát ban nổi mẩn/ngứa ngoài da, khó thở/thở khò khè, đau đầu, đau cơ, đau khớp; bồn chồn/khó chịu… Hiện tại, các trường hợp này đều ổn định sức khỏe. “Trong tuần này và tuần sau, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vét cho các đối tượng còn lại”, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết.
Dự kiến, 10 ngày tới, ngành y tế sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế tại các khoa/phòng có nguy cơ và các bệnh nhân nặng/có bệnh lý nền/đang điều trị tại các khoa có nguy cơ. Dự kiến việc xét nghiệm xong trước ngày 10/4.
Tối 25/3, Bộ Y tế cho biết, trong ngày có thêm 3 ca mắc COVID-19 (BN2577-2579), gồm 2 ca tại Hải Dương và 1 ca được cách ly ngay sau nhập cảnh tại TPHCM. BN2577 (nữ, 31 tuổi, là F1 của BN2469) và BN2578 (nữ, 3 tuổi, là F1 của BN2469, là con của BN2577) được ghi nhận tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Cả 2 bệnh nhân đã được cách ly tập trung từ ngày 28/2. Hiện cả 2 bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2 - Bệnh viện Ðại học Sao Ðỏ cơ sở 2.