Tại TP HCM, những chiếc xe ô tô treo đầy các loại hàng tiêu dùng như nước rửa chén, xà bông, kem đánh răng cho đến các loại bánh, nước uống... là hình ảnh mới xuất hiện. Hàng hóa trên xe đầy đủ như trong một cửa hiệu tạp hóa. Xe thường đậu gần khu vực đông dân cư, các công trường xây dựng hoặc công viên để bán hàng với mức giá bình dân cho người lao động.
Tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 - nơi mệnh danh là "phố nhà giàu" ở Sài Gòn - ngày nào cũng có hơn 10 xe tạp hóa dạng này hoạt động. Các loại ôtô khách đời cũ, nội thất dỡ bỏ hết được người bán tận dụng làm chỗ chứa hàng. Ngoài đồ tạp hóa, cơm, thức ăn nhanh cũng là những món được "cửa hàng ôtô" đem ra phục vụ khách.
Chị Nguyễn Thị T. chủ một ôtô bán tạp hóa chia sẻ, đơn vị quản lý khu đô thị này không cho phép dựng hàng quán lấn chiếm lề đường. Chi phí thuê mặt bằng tại đây lại đắt, lên tới vài chục triệu đồng mỗi tháng. Do đó, khu vực này hầu như không có tiệm tạp hóa.
Trong khi đó, nhu cầu mua sắm của người dân khá lớn. Chị T. liền sắm một chiếc ô tô cũ có giá khoảng 150 triệu đồng để làm nơi buôn bán. Buổi sáng, chị đánh xe hàng đậu nguyên một chỗ. Đến tối, chị đóng "cửa hàng", về nhà bằng xe máy.
4 năm bán hàng, khách của chị T. chủ yếu là cánh lái xe, công nhân đang thi công công trình tại khu đô thị. Người có thu nhập cao thường vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ít mua đồ tại xe bình dân. Chị T. chia sẻ, trung bình mỗi ngày bán tạp hóa trên ôtô như vậy, chị lãi 200.000-300.000 đồng.
Vợ chồng anh Thành - một chủ hàng khác - cũng đã “biến” chiếc xe khách 16 chỗ thành cửa hàng tiện lợi. Tuy không gian nhỏ nhưng mọi thứ trong xe đều được xếp ngăn nắp. Anh Thành còn trang bị thêm cả bếp ga để chế biến món ăn, bán hàng ngày.
Không nằm cố định, xe của anh Thành di chuyển theo lịch trình. Thường điểm đỗ lâu nhất là các công trường, nơi tập trung nhiều công nhân. Tại đây, vợ chồng chủ hàng bán đồ ăn cho người lao động. Ngoài ra, anh cũng nhận giao hàng tận nhà khi khách đặt 5 chai nước hay mua hàng từ 100.000 đồng trở lên. Tuy nhiên, địa bàn phục vụ của cửa hàng di động này chỉ là quận 7.
"Mấy tháng gần đây ngày càng xuất hiện thêm nhiều xe nên lượng khách bị phân tán, phải tranh thủ giành chỗ bán từ sớm", anh Thành chia sẻ.
Không gian bên trong xe chỉ đủ một người ngồi bán, có cả bếp ga để chế biến món ăn nhanh cho khách. Ảnh: Zen Nguyễn.
Những cửa hàng di động này đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm tiêu dùng, giá cả lại bình dân nên được nhiều khách hàng đón nhận.
Anh Tiến, một tài xế taxi cho biết: “Những cửa hàng này rất tiện lợi, chỉ cần ghé vào ngồi trên xe vẫn mua được nước hay thuốc lá. Cà phê chỉ có 6.000 đồng một ly mang đi. Các loại hàng tạp hóa cũng rẻ hơn các cửa hàng tiện lợi nhiều”.
Điều còn bất cập là việc mua bán được thực hiện dưới lòng đường, vi phạm trật tự đô thị. Mỗi khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện, các chủ tiệm tạp hóa di động này đóng cửa xe, chạy một vòng lại về chỗ cũ để bán tiếp.