Số mắc tăng cao do người về từ nơi có dịch
Đánh giá diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, mầm bệnh đã ngấm sâu vào cộng đồng, với chiều hướng F0 tăng cao, lãnh đạo 8 tỉnh, thành phía Nam (Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk, Gia Lai) đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế bổ sung vắc xin để tiêm cho người dân, đặc biệt là vắc xin tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Hiện tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi của 8 địa phương đạt từ 70-94% nhưng tỉ lệ tiêm mũi 2 rất thấp, lãnh đạo các địa phương kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ đủ vắc xin để các địa phương triển khai thực hiện tiêm phủ 2 mũi cho người dân trên 18 tuổi; phân bổ đủ vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ em trên địa bàn.
“Hiện nay cần ưu tiên vắc xin cho Quân khu 7, Quân khu 9 và các tỉnh Tây Nguyên, Bình Thuận, lí do đơn giản là người từ TPHCM và Bình Dương về các địa phương này rất nhiều. Dứt khoát phải tiêm phủ vắc xin COVID-19, để trong 5 ngày tới, tiêm hết cho người dân từ 18 tuổi trở lên", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố cũng cập nhật diễn biến mới và phức tạp của dịch bệnh. Nguyên nhân số ca mắc tăng cao chủ yếu do người trở về từ các vùng có dịch (2% tổng số người trở về các địa phương); các địa phương nới lỏng giãn cách nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; lượng người dân di chuyển lớn cùng với tâm lí chủ quan. Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại nhưng vẫn chưa thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Bộ Y tế…
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, vừa qua Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin Pfizer tiêm phòng COVID-19 cho trẻ. Hiện nay, đây là loại vắc xin duy nhất được khuyến cáo tiêm cho trẻ em. Trong những ngày tới, khi những loại vắc xin khác (dành cho người trên 18 tuổi) về Việt Nam, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay cho các địa phương.
Tại tỉnh Bạc Liêu, qua 2 ngày dịch bùng phát tại thị xã Giá Rai, liên tiếp phát hiện các ca F0 lây lan trong nhà máy thủy sản, từ đó, lây nhiễm ra cộng đồng ở một số huyện khác. Tại Cần Thơ, các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất, tuy nhiên, có 12 doanh nghiệp có ca F0 là công nhân đã nhiễm dịch từ cộng đồng và lây ngược trở lại trong doanh nghiệp. Tại một số bệnh viện, trong quá trình tầm soát COVID-19 đã có sự lây nhiễm trong đội ngũ y tế và bệnh nhân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, với mục tiêu nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, thành phố đang thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng để ngăn chặn dịch bệnh cho đến khi đạt tỉ lệ phủ vắc xin cần thiết. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp sản xuất trở lại; củng cố lực lượng cơ sở để ứng phó với dịch bệnh.
Về các giải pháp xét nghiệm, điều trị, lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết, địa phương này tăng cường thành lập Bộ phận phản ứng nhanh tại xóm/ấp/ khu dân cư nhằm kịp thời phát hiện nhanh, quản lí từng hộ dân để truy vết, khoanh vùng; tầm soát nguy cơ cao… Một số địa phương như Kiên Giang, Tiền Giang đã triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong 7 ngày qua (29/10-5/11), tại tất cả các tỉnh, thành, số lượng F0 tăng ở khu vực cách li tập trung, phong tỏa chiếm trên 70%. Do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, các địa phương giám sát tất cả người về từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa bàn có khu vực dịch ở cấp độ 3 và cấp độ 4.
Linh hoạt đánh giá cấp độ dịch
Trao đổi thêm về những vướng mắc, bất cập khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, Quyết định 4800/QĐ-BYT, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng các tỉnh cần quán triệt tinh thần “các quy định của Nghị quyết 128 được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, nhưng các địa phương cũng có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể để bổ sung nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân”.
“Có thể, tình hình dịch trên toàn tỉnh ở cấp độ 2 nhưng nhiều huyện lại ở cấp độ 1. Tương tự, linh hoạt đánh giá cấp độ dịch các xã, phường để có biện pháp ứng phó phù hợp, bám sát tình hình thực tế”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu ví dụ. Trong trường hợp các quy định, hướng dẫn không phù hợp hoặc không khả thi, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương báo cáo kịp thời Bộ Y tế để nghiên cứu, tháo gỡ. Hiện, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương giám sát tất cả người từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và vùng có cấp độ dịch mức độ 3 hoặc 4; chủ động giám sát những người có nguy cơ cao; có hình thức cách li phù hợp ở các địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, khi chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 không thể không có ca nhiễm trong cộng đồng. Vì vậy, hệ thống giám sát dịch bệnh phải được tăng cường thêm một mức, để sớm phát hiện, nhanh chóng xử lí ca mắc. Cụ thể, các địa phương phải tăng cường xét nghiệm sàng lọc tại các cơ sở y tế; phát huy vai trò của Tổ phòng, chống COVID-19 trong cộng đồng để phát hiện người từ nơi khác về, người có triệu chứng để xét nghiệm, điều trị từ sớm.