Giặt là theo một cách khác
Không gian “Giặt là sáng” nhỏ xinh chỉ tầm hơn 10m2, được trang trí bằng tông xanh mát mắt. Cảm nhận đầu tiên là cửa hàng sạch sẽ, gọn gàng, thơm tho và hoàn toàn tĩnh lặng. Cửa hàng có 3 nhân viên đang tất bật đón khách, cho đồ vào máy giặt, là quần áo, gập xếp tỉ mẩn. Thỉnh thoảng, họ quay lên cười đùa, chuyện trò với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Những gương mặt biểu cảm, sinh động trong lặng thinh.
Một người phụ nữ xách túi quần áo bước vào cửa hàng. Chị nhanh nhẹn lấy giấy bút trên bàn ghi chép điều gì đó và chuyển cho nhân viên. Nữ nhân viên đọc xong, nhanh tay nhận lấy túi đồ và cúi đầu mỉm cười.
Chị Lương Thị Kiều Thúy (ngoài cùng bên trái) và các nhân viên chuyện trò qua ngôn ngữ ký hiệu |
Suốt buổi chiều, hầu như cửa hàng sẽ đón những vị khách “ruột” như thế. Thi thoảng, cũng có người mang đồ đến, nói vài câu dặn dò rồi vội vàng định đi, nhưng ngay lập tức nữ nhân viên xinh đẹp của tiệm giặt sẽ níu tay lại với nụ cười, chỉ vào dòng chữ dán cố định trên bàn, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh: “Xin chào! Em/cháu là người điếc. Vui lòng cho em/cháu xin họ tên và số điện thoại của quý khách ạ!”.
Chị Lương Thị Kiều Thúy, người sáng lập và quản lý chuỗi cửa hàng giặt là của người điếc cho biết, từ khi thành lập cuối năm 2020, bắt đầu từ 3 nhân sự tại một tiệm giặt nhỏ, đến nay “Giặt là sáng” đã phát triển thêm 5 cơ sở trên toàn quốc, có cơ sở rộng tới 250m2 và tạo việc làm cho 20 nhân sự đều là người điếc/khiếm thính. “Các bạn bắt đầu học nghề thường có độ tuổi rất trẻ từ 17 - 23 tuổi và ít có kinh nghiệm làm việc. Nhân viên sẽ được đào tạo trong 3 tháng để học kỹ năng giao tiếp với khách hàng, quy trình được hỗ trợ bằng các công cụ giấy bút, sơ đồ, mẫu câu có sẵn. Khó khăn của các bạn chính là đọc hiểu và viết những mẫu câu chuyên sâu, nhiều nghĩa và những từ vựng lạ”, chị Thúy cho biết thêm.
Những mẩu giấy xinh xắn ghi lại những lời nhắn nhủ của khách hàng khi đến với “Giặt là sáng” |
Khi đến với cửa hàng đặc biệt này, thay vì nghe và nói, khách hàng sẽ quan sát, đọc và viết. Bảng viết, con dấu đặc biệt khắc sẵn mọi lời nhắn nhủ, những tấm biển chỉ dẫn chi tiết sẽ giúp nhân viên cửa hàng thực hiện các thao tác nhanh chóng và hiệu quả. Tiệm cung cấp 6 dịch vụ cho khách hàng như giặt sấy, giặt là, giặt chăn, giày, túi và dịch vụ tẩy đồ. “Các sản phẩm của khách hàng được chăm chút cẩn thận bởi những người điếc có ưu điểm là rất kiên nhẫn, tỉ mỉ và không bị phân tâm bởi tiếng ồn khi làm việc”, chị Thúy chia sẻ thêm.
Ở một góc của cửa hàng, dán chi chít những mẩu giấy xinh xắn, nhiều màu sắc. Đó chính là nơi lưu lại những cảm nhận, suy nghĩ của các khách hàng. “Một nơi tuyệt vời để bạn có thể trải nghiệm một ngôn ngữ mới, có thể là cả một cách sống mới”, “Một nơi mà bạn cảm thấy mọi người tâm huyết với từng sản phẩm. Mình sẽ quay lại thêm thật nhiều lần nữa”, “Mọi thứ đều tuyệt vời! Sẽ ủng hộ các bạn nhiều”… là những lời nhắn nhủ mà ai khi đến cửa hàng cũng có thể đọc được.
Viết tiếp ước mơ cho người Điếc
“Tôi bị khiếm thính từ năm 10 tuổi, mỗi ngày nặng thêm rồi không nghe được gì nữa. Tôi từng muốn trở thành nhà báo và đã tốt nghiệp một trường cao đẳng đào tạo về báo chí. Nhưng sau khi học xong, tôi nhận ra nghề báo không dành cho người khiếm thính nên phải chuyển nghề để mưu sinh”, Lương Thị Kiều Thúy trải lòng về những bước chân đầu tiên trên con đường khởi nghiệp.
Để chuyện trò với Thúy, tôi phải viết ra giấy, cô chủ tiệm sinh năm 1991 vui vẻ trả lời từng câu hỏi. Sau khi từ bỏ nghề báo, Thúy học ngôn ngữ ký hiệu và xin vào làm cho một cơ sở giặt là lớn từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua nhượng quyền kinh doanh để học hỏi kinh nghiệm Công việc của Thúy lúc bấy giờ tại tiệm giặt là làm lễ tân, vận hành máy kiêm nhiệm quản lý nhân viên giao nhận cho cửa hàng. Cũng từ công việc này, cô bắt đầu xây dựng bộ tài liệu giảng dạy về quy trình giặt là, cách quản lý và hệ thống hoá một bộ máy tại cửa hàng để công việc diễn ra trơn tru nhất cho người điếc. “Khi thực hiện dự án Nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội năm 2019 cùng Viện iSEE, tôi càng hiểu rõ hơn về thực trạng, khó khăn trong việc làm của người đồng cảnh, cũng như những tâm tư, nguyện vọng của họ. Sau một thời gian đi làm và học các kỹ năng khởi nghiệp, tôi quyết tâm xây dựng mô hình giặt là, tạo cơ hội việc làm cho người điếc”, Thúy kể.
Và “Giặt là sáng” đã ra đời vào năm 2020, đồng thời nhận được giải thưởng “Cánh én Vàng” tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp 2020” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Tháng 11-2020, “Giặt là sáng” tiếp tục đạt giải “Best Performance” do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức. “Giặt là sáng” cũng liên tiếp giành nhiều giải thưởng khác như “Én xanh Xuất sắc” trong chương trình “Cánh én vượt bão giông” 2021, giải thưởng chiến dịch Marketing về phát triển bền vững 2021 - 2023, Giải thưởng “Tuổi trẻ Start up Award” 2023...
Nhờ đeo máy trợ thính và nhìn trực tiếp khẩu hình người đối diện nên Thúy nghe được đôi chút và nói năng lưu loát. Còn các nhân viên của cửa hàng đều là người điếc bẩm sinh. Ngoài làm việc, nhân viên ở đây được dạy thêm về ngôn ngữ ký hiệu, tham gia các khoá học kỹ năng, hoạt động xã hội để tăng cường sự tự tin và hoà nhập.
Lê Thu Ngân là nhân viên của tiệm giặt từ những ngày mới thành lập. “Tôi chưa bao giờ nghe được âm thanh của cuộc sống ra sao. Học xong cấp 2, tôi chỉ ở nhà giúp bố mẹ việc nhà để bố đi trông xe còn mẹ bán hàng nước. Rồi tôi biết đến tiệm giặt của chị Thúy và đến xin thử việc. Tôi rất hạnh phúc khi được nhận. Nhưng cũng rất lo lắng. Ban đầu khá khó khăn, tôi không biết khách hàng nói gì và khách hàng cũng không hiểu tôi muốn gì, nhưng đến nay tôi đã tự tin làm mọi công việc ở tiệm”, cô gái sinh năm 2003 cười tươi chia sẻ, thông qua ngôn ngữ ký hiệu.
Lương Thị Kiều Thúy cũng là một trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. Năm 2021, Thúy được chọn tham gia Hội thảo về thúc đẩy quyền tham chính của người khuyết tật ở Việt Nam do UNDP phối hợp với các đơn vị tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam.