Tiếc nhớ một người ông Vũ Khiêu rất khác

0:00 / 0:00
0:00
GS. Vũ Khiêu là nhà nghiên cứu tư tưởng, văn hóa Việt Nam, được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Ảnh: NGUYỄN ÐÌNH TOÁN
GS. Vũ Khiêu là nhà nghiên cứu tư tưởng, văn hóa Việt Nam, được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Ảnh: NGUYỄN ÐÌNH TOÁN
TP - Giáo sư Vũ Khiêu - ông nội tôi - vừa rời cõi tạm ở tuổi 106. Ông sống trường thọ, giàu trải nghiệm và tri thức tích lũy vắt qua hai thế kỷ. Nỗi đau mất mát người thân không thể đo đếm được. Với tôi sự trống vắng một chỗ dựa tinh thần vững chãi, một tấm gương lớn trong đời càng khó khỏa lấp hơn.

Người ông, người cha đặc biệt

Sau ngày thống nhất đất nước, bố mẹ tôi (GS. Đặng Vũ Cảnh Khanh - GS. Lê Thị Quý) vào TPHCM tiên phong xây dựng các ngành khoa học xã hội ở phương Nam. Chúng tôi sống ở đó khoảng chục năm cho tới 1984, mẹ đưa cả gia đình về Bắc. Bố tôi đi học tiến sĩ ở Bulgaria, mẹ tôi sau này đi học ở Nga. Tuổi thơ của tôi vì thế gắn bó với ông bà nội, cho tới lúc bước chân vào trường đại học vẫn quấn quýt ông bà.

Ông bà sinh được bốn người con, bố tôi là thứ hai và là trưởng nam. Sau này trong thâm tâm ông coi cháu đích tôn (Đặng Vũ Cảnh Linh) như người con út, bởi các cô chú đi làm, chỉ mình tôi được gần gũi ông nhất. Quãng thời gian bố mẹ tôi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, bà nội thay mẹ thức khuya, dậy sớm chăm từng bữa ăn, giấc ngủ. Ông nội vừa là ông, là cha, là thầy và đặc biệt là người bạn lớn. Không phải tôi “phạm thượng” khi dám nhận như vậy, bởi lẽ từ lúc tôi lên 10 ông giao cả kho sách đông tây kim cổ cho tôi đọc, cho phép tôi được “hầu chuyện” những người bạn ông-những danh sĩ đương thời. Hằng ngày, ông bận bịu việc nghiên cứu từ sáng tới khuya, phải chờ tới 9-10h đêm mới có thời gian quay ra nói chuyện với cháu. Lòng yêu đọc sách, tình yêu văn hóa lịch sử của tôi được khởi nguồn như thế.

Ông được phân căn hộ tập thể hơn chục mét vuông, là nơi sống của hơn chục người trong gia đình. Khu tập thể ở Lý Thường Kiệt rất đông trẻ con, tôi cũng vui đùa với bạn cùng lứa nhưng lại già dặn sớm. Cậu bé lên 10 có đam mê đắm chìm trong thế giới sách, mà toàn những thể loại khó như lịch sử, nghiên cứu văn hóa, tiểu thuyết kinh điển. Lên 10 tuổi tôi đọc hết Tam Quốc diễn nghĩa, Đông Chu Liệt Quốc, bộ Đại Việt sử ký toàn thư và nhiều cuốn sách sử, sách khảo cứu, tác phẩm văn học lớn khác. Năm 12-13 tuổi tôi bắt đầu tập viết văn, viết truyện, 15 tuổi bắt đầu làm thơ nhưng không công bố, mãi tới năm ngoài 30 tôi mới cho phép mình xuất bản tập thơ và những album âm nhạc đầu tiên.

Tôi nhớ người bạn thân của ông là nhà sưu tầm sách có tiếng. Đó là ông Vạn Lịch một bộ đội đã nghỉ hưu. Ông Lịch đóng bìa từng cuốn sách rất đẹp, đóng dấu tên lên sách và cho ông tôi mượn. Không phải được mượn cả bộ sách, mà ông Lịch chỉ cho tôi mượn từng cuốn, cứ đọc hết cuốn này thì được đổi cuốn khác. Sau khi đọc xong mỗi cuốn, ông nội bảo tôi kể lại và tranh luận cùng ông. Hình ảnh ông cụ hàm thứ trưởng nhiều tối (có hôm đội mưa rét đêm đông) cặm cụi đi đổi sách cho cháu nội không thể phai mờ trong tâm trí.

Tiếc nhớ một người ông Vũ Khiêu rất khác ảnh 1
GS. Vũ Khiêu và cháu đích tôn (hồi nhỏ) Ðặng Vũ Cảnh Linh. Ảnh: NVCC

Người truyền cảm hứng

Lựa chọn đi theo nghiên cứu triết học, văn hóa và sau này là các môn khoa học hiện đại của tôi đều có dấu ấn không nhỏ của ông. Tôi gần và chịu ảnh hưởng lớn từ ông nội hơn là bố tôi. Khi vào đại học, tôi không nói với ông mà lại chọn ngành Triết học. Dù thi đỗ cả trường Luật, nhưng tôi vẫn học Triết. Tôi muốn tiếp nối truyền thống gia đình, đặc biệt là noi gương ông- nhà nghiên cứu về tư tưởng và văn hóa Việt Nam.

Tôi nối nghiệp ông, đi dạy học, làm nghiên cứu, cũng đã có hơn 20 quyển sách là tác giả và đồng tác giả, nhưng tới bây giờ vẫn không quên những bài học ông dạy. Tôi vẫn như nghe từng câu răn dạy nguyên tắc tối thượng của người làm khoa học phải rèn luyện tư duy lớn, cách nhìn nhận khách quan, nhiều chiều, suy nghĩ ứng dụng kiến thức vào cuộc sống, phục vụ xã hội, tôn trọng, lắng nghe ý kiến các bậc tiền bối, đồng nghiệp. Điều tôi nhớ nhất là ông luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, sự nêu gương của ông còn có giá trị hơn bất cứ bài học đạo đức nào khác. Ông thường nói “người ta có hàng nghìn cây vàng, tôi có hàng nghìn người bạn”. Bạn tâm giao của ông toàn những bậc tài năng như ông Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân, Võ An Ninh, Xuân Diệu, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình Thi, Trần Bạch Đằng, Diệp Minh Châu, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng…

Mọi người yêu quý vì ông quảng giao, không phân biệt sang, hèn với những người ông giao tiếp. Ông nói chuyện hài hòa với tất cả mọi người đến với ông, rủ những người “bạn” là lái xe, bảo vệ đi uống rượu trên hè phố. Nhà ông dù chẳng có thức ăn gì ngoài lạc rang hay đậu phụ nhưng gần như lúc nào cũng đông chật người đàn hát, đọc thơ, hay đàm đạo. Tôi chịu ảnh hưởng từ ông về phong cách sống và cách ứng xử trong mối quan hệ bằng hữu.

“Ông luôn dạy tôi về giá trị sống. Với ông đó là sống ý nghĩa và đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Ông nhắc tôi phải luôn vượt qua những cám dỗ về vật chất của bản thân để nhìn thế giới rộng mở, nơi đó là kiến thức, sự ham hiểu biết, và niềm vui khi giúp ích cho người khác. Ông đề cao sự tự lập. Và tôi, từ thời sinh viên đã biết vừa học vừa làm, tự đi trên đôi chân mình và biết chia sẻ, gần gũi với mọi người”.

Ðặng Vũ Cảnh Linh

Tôi không chỉ nhìn ông với danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, giải thưởng lớn như giải thưởng Hồ Chí Minh, mà với tôi, hay nhiều thế hệ bằng hữu, học trò của ông, GS. Vũ Khiêu là người thầy truyền cảm hứng lớn. Khả năng đặc biệt của ông ở chỗ luôn biết khơi dậy nguồn cảm hứng, lao động, sáng tạo, những giá trị tốt ở người khác và hướng khả năng đó đi tới đích tốt đẹp. Khi gần ông, mọi người không chỉ tìm ra bản thân mà luôn luôn biết đổi mới mình và đi lên phía trước. Ông thường dẫn lời cụ Cao Bá Quát “nhập thế chích thân thiên lý mã” (vào đời hãy như con ngựa đi vạn dặm), đừng dừng lại.

Sau chuyến thăm, gặp gỡ giới khoa học và văn nghệ sỹ phía Nam kéo dài hơn một tháng năm 2017, ông trở về và lâm bệnh. Gia đình chấp nhận đặt nội khí quản, ông không giao tiếp bằng ngôn ngữ nữa nhưng chưa bao giờ ngừng nghe, viết, đọc và tiếp tục giao tiếp với mọi người. Từ năm 2020 ông yếu hơn, ít có thể viết ra giấy được nữa nhưng vẫn minh mẫn nhận biết những người xung quanh.

Đi hết cuộc đời đủ vui buồn, ông về bến Giác vào 12h37 ngày 30/9. Học giả Tô Đông Pha từng nói trong cuộc đời hãy cố gắng dù chỉ một lần trồng cho mình một cây trúc. Ông tôi đã trồng bao nhiêu cây trúc trong cuộc đời cay đắng, vất vả để lại cho con cháu bao nhiêu cây trúc như gia sản quý nhất trong cuộc đời này? Còn những dự định dang dở, những tinh hoa trong suốt nhiều năm cặm cụi nghiên cứu của ông vẫn ở dạng ghi chép, dữ liệu, hậu bối sẽ gắng góp lại để tinh thần của ông còn lấp lánh mãi.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.