Thủy sản 'bò' qua Trung Quốc: Bài học cho doanh nghiệp nội

Thủy sản 'bò' qua Trung Quốc: Bài học cho doanh nghiệp nội
TP - Trong khi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cảnh báo hiện tượng thương lái mua tận thu tôm để bán sang Trung Quốc đang làm rối loạn thị trường, lãnh đạo một số địa phương cho biết, người nuôi tôm đang hưởng lợi vì bán được giá cao.

> Đến lượt sốt mua gom gỗ trắc
> Tạm giữ tàu chở gỗ trắc tại Cảng Năm Căn thêm 23 ngày

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho biết, một tháng lại đây, nhiều thương lái gia tăng việc thu mua tôm tươi từ các tỉnh. Họ tiến hành ướp đá, bán cho Trung Quốc với số lượng lớn và tăng đột biến. Ngoài tôm sú, tôm thẻ chân trắng cỡ lớn, gần đây, thương lái còn thu mua cả tôm trắng cỡ nhỏ, loại trước đây họ “bỏ qua”.

Theo ông Hòe, thương lái thường mua trực tiếp từ ao hoặc mua qua đại lý thu gom, rồi ướp đá đóng thùng chuyển ra Bắc xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. “Họ không mua với giá cố định mà mua với giá cao hơn doanh nghiệp (DN) trong nước đang mua từ 15-20%. Hằng ngày, thương lái thu gom hàng trăm tấn tôm mỗi tỉnh. Gần như họ không quan tâm đến chất lượng, thậm chí còn thực hiện bơm chích tạp chất tăng trọng cho tôm”- ông Hòe nói.

Lãnh đạo Vasep cho biết, thương lái chủ yếu là người miền Nam, còn chủ hàng thực sự hầu như không xuất hiện. Tình trạng thu gom trên đang làm rối loạn thị trường. “Họ còn bổ sung hóa đơn có VAT, bắt tay với DN địa phương hợp thức hóa hồ sơ khi lưu thông hàng hóa”, lãnh đạo Vasep nói.

 “Không thể cấm được việc thu mua của thương lái mà chỉ cảnh báo. Mặt khác, các nhà máy chế biến trong nước cũng nên có hợp đồng mua bán với những vùng nguyên liệu ngay từ đầu, chứ cứ buông việc này, đến khi người khác mua lại kêu”. 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT)

Theo Vasep, tình trạng trên sẽ khiến nhiều DN thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với các đối tác. Việc ồ ạt thu mua xuất khẩu tôm nguyên liệu có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu xuất khẩu, xuất thô nguyên liệu ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển ngành và hiệu quả đầu tư. “Khi thương lái mua theo hình thức trên, vấn đề chất lượng, đặc biệt kháng sinh và tạp chất trong tôm có nguy cơ không kiểm soát được, ảnh hưởng đến hình ảnh tôm của Việt Nam”, Vasep lo ngại.

Ông Trương Đình Hòe cho hay, việc các thương lái gây rối loạn thị trường, khiến người dân thiếu thông tin có thể bị lừa đảo, giật tiền hoặc đầu tư ồ ạt vì lợi ích trước mắt, không theo quy hoạch. “Trước đây, thời điểm này mỗi DN có hàng tấn trong kho làm nguyên liệu, nhưng nay không còn. Nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm, họ không có tôm nguyên liệu để chế biến, sẽ chết luôn, công nhân sẽ hết việc”, ông Hòe cảnh báo.

Vasep dự báo, nếu không xảy ra tình trạng trên, năm nay xuất khẩu tôm 2,4-2,5 tỷ USD là bình thường. Tuy nhiên, nếu tình hình trên tiếp tục diễn ra, sẽ không có tôm để xuất khẩu. Vasep đề nghị, các địa phương cần tăng cường kiểm soát việc lưu thông. Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ, đánh thuế tài nguyên cho mặt hàng tôm tươi nuôi xuất khẩu.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Tổng cục đã nhận được kiến nghị của Vasep. Theo ông Tuấn, việc mua bán với Trung Quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ như giá tôm không ổn định, xúi giục việc bơm tạp chất hoặc mua theo kiểu quỵt nợ tiền của người nuôi. Tổng cục đã có công văn gửi địa phương, cảnh báo các nguy cơ trên.

Ông Tuấn cho rằng, việc thu mua trên sẽ ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu của DN chế biến. “Không thể cấm được việc thu mua của thương lái mà chỉ cảnh báo. Mặt khác, các nhà máy chế biến trong nước cũng nên có hợp đồng mua bán với những vùng nguyên liệu ngay từ đầu, chứ cứ buông việc này, đến khi người khác mua lại kêu”, ông Tuấn nói.

Người nuôi tôm hưởng lợi?

Thương lái Trung Quốc (áo kẻ) thu mua hải sản trái phép gây bức xúc cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Tuấn Anh
Thương lái Trung Quốc (áo kẻ) thu mua hải sản trái phép gây bức xúc cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Tuấn Anh.
 

Khác với cảnh báo của lãnh đạo Vasep, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Châu Công Bằng - Phó GĐ Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, thị trường Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho người nuôi tôm. Nhiều DN Cà Mau ký được hợp đồng lớn, giá bán tôm nguyên liệu cao, an toàn, chưa gặp rủi ro. Theo ông Bằng, trong 29 DN chế biến thủy sản xuất khẩu tại Cà Mau, nhiều DN đã tìm được đối tác tiêu thụ tôm xuất khẩu.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau (Casep) nhận định, thị trường hơn 1,6 tỷ người Trung Quốc là thị trường lớn, gần Việt Nam. Nhiều đoàn DN thủy sản Trung Quốc đến mua tôm nguyên liệu, sơ chế và nhập khẩu mở ra thị trường tiềm năng.

Ông Trần Tú Ngọc, Chủ tịch HĐQT Cty CP chế biến thủy sản Hòa Trung cho biết, hàng thủy sản chế biến chủ yếu xuất sang Trung Quốc, thuận lợi, không bị rào cản vi lượng kháng sinh. Tương tự, Cty Thủy sản Anh Khoa (Cà Mau) xuất khẩu sang Trung Quốc rất ổn định, là DN xuất khẩu sinh sau đẻ muộn ở Cà Mau nhưng lớn mạnh rất nhanh.

Tại thị trường tôm nguyên liệu các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ hiện cũng đang nóng lên. Giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg giá 260.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 210.000 đồng/kg; loại 40 con/kg giá 150.000 đồng. Tôm thẻ chân trắng loại 70 con/kg giá 170.000 đồng, loại 100 con/kg giá 110.000 đồng.

Lý do tôm Việt Nam dễ bán trong thời điểm này theo ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn) - vua tôm sạch ở Bạc Liêu cho biết, các nước Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia…tôm nuôi bị dịch bệnh, sản lượng chỉ còn 50%. Tôm nguyên liệu giá cao như hiện nay là cơ hội cho bà con nuôi tôm. “Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT khuyến cáo, tìm cách nuôi tôm thẻ chân trắng đạt kích cỡ khoảng 30-40 con/kg. Lần đầu tiên, giá thị trường tôm thẻ chân trắng loại lớn, tăng gần bằng tôm sú”, ông Sáu Ngoãn nói.

Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Nghề cá Cà Mau cho biết, giá tôm nguyên liệu tăng cao, bà con nuôi tôm đang có lợi. Những năm gần đây, sản lượng cua biển nuôi xen canh trong ao tôm được xuất sang Trung Quốc được giá cao trong những tháng cuối năm, được bà con nuôi cua tận dụng cơ hội này để bán được giá cao, hơn 500.000đồng/kg.

Hiện, tại một số tỉnh (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng), diện tích nuôi tôm chủ lực của ĐBSCL đang có dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh. Tại Bạc Liêu, có 120.000 ha nuôi tôm thì có 30.000 ha nuôi tôm công nghiệp, trong đó hơn 15.000 tôm thẻ chân trắng nuôi công nghiệp. Tại Cà Mau, có hơn 260.000 ha nuôi tôm, trong đó có hơn 10.000 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến. Vùng nuôi tôm công nghiệp Sóc Trăng chuyển sang nuôi thưa, nuôi xen canh với các loài thủy sản khác.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG