Các chính phủ không liên kết như Thuỵ Điển và Phần Lan đang tìm cách xây dựng quy chế "quan hệ đặc biệt" với NATO nhằm đối phó với cuộc xung đột tại Ukraine và sự đầu tư quốc phòng của Nga tại khu vực cực Bắc và biển Baltic.
Mối quan hệ được đề xuất trong một bản ghi nhớ, gồm 50-60 "Mục tiêu chung". Một trong những mục tiêu lớn nhất của bản ghi nhớ là cơ chế hỗ trợ "quốc gia chủ nhà", một nghị định thư trong đó Phần Lan và Thuỵ Điển sẽ cho phép NATO triển khai lực lượng lục quân, hải quân và không quân trên lãnh thổ của mình.
Phần Lan và Thuỵ Điển có thể sẽ đồng ý cung cấp cho lực lượng các nước đồng minh phương Tây sự hỗ trợ hậu cần, gồm doanh trại, vận tải và đạn dược.
Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Phần Lan Sauli Ninnista phản đối những chỉ trích từ các đảng đối lập cho rằng quy chế trên là một bước đi nhằm gia nhập NATO bằng "cửa sau".
"Điều này không có nghĩa là Phần Lan đang gia nhập NATO qua cửa sau. Trong khi tiếp tục dựa vào tổ chức quốc phòng của chính mình, thì lợi ích của Phần Lan cần liên kết với bên ngoài. Chúng ta muốn hợp tác sâu rộng hơn về quốc phòng với các quốc gia Scandinavi, NATO và Liên minh châu Âu".
Bộ trưởng Quốc phòng Thuỵ Điển Karin Enstram mô tả quy chế "quan hệ đặc biệt" là bước tiến tự nhiên theo Chương trình Hợp tác hoà bình của NATO mà Thuỵ Điển và Phần Lan tham gia năm 1994.
"Ở đây không có mâu thuẫn lợi ích. Điều này không có nghĩa là chúng tôi đang hướng tới thảo luận gia nhập NATO, mà chỉ là khai thác các cơ hội Hợp tác hoà bình nhằm thiết lập quan hệ hợp tác thực hơn với NATO".
Nhà phân tích chính trị-quốc phòng Phần Lan Pauli Jarvenpaa cho rằng nghị định thư hỗ trợ "quốc gia chủ nhà" sẽ thiết lập các đường biên giới mà binh lính NATO có thể vào Phần Lan theo các đề xuất cụ thể của chính phủ Phần Lan.
Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Erkki Tuomioja loại trừ khả năng lực lượng NATO đóng quân trên đất Phần Lan một cách tự động và thường xuyên. "Phần Lan không sẵn sàng cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng trong trường hợp thù địch với Nga".
Một cuộc khảo sát được tổ chức trong tháng 8 cho kết quả 26% người Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO trong khi 56% phản đối.
Cuộc xung đột tại Ukraine gây quan ngại cho các lãnh đạo chính trị, quân sự Thuỵ Điển. Lực lượng vũ trang Thuỵ Điển đã nâng mức độ sẵn sàng chiến đấu tại đại bản doanh hôm 28/8 và củng cố năng lực đánh chặn nhanh chóng trên đảo Gotland với việc điều bổ sung 2 chiến đấu cơ Gripen tới căn cứ quân sự chiến lược nhất của nước này trên biển Baltic.