Thủy điện: mạnh ai nấy làm

Thủy điện: mạnh ai nấy làm
TP - Quy hoạch chồng chéo, quản lý bất cập chính là bộ mặt chủ yếu của hệ thống thủy điện bậc thang ở lưu vực Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên) ? hiện nay. Đó cũng là tác nhân hàng đầu gây nên những đại họa lũ lụt vùng hạ du trong nhiều năm gần đây.

Thủy điện và những hệ lụy - Bài 4:

Thủy điện: mạnh ai nấy làm

>Dân đói, rừng bị tàn phá
>Tái định cư bên miệng vực
>Thủy điện và những hệ lụy

Mạnh ai nấy làm

Những bức xúc về quy hoạch chồng chéo của thủy điện miền Trung đã được giới khoa học kỹ thuật quan tâm. Từ cuối năm 2011, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức một hội thảo quy mô “Tư vấn phản biện quy hoạch thủy lợi - thủy điện miền Trung”. Đặc biệt, để có những đánh giá, phản biện khách quan, hội thảo không mời các chủ đầu tư là những nhà máy thủy điện.

“Thượng nguồn các con sông ở miền Trung có nhiều tiềm năng thủy điện, nhưng không có nghĩa là hễ có tiềm năng thì cho xây nhà máy” - Ông Trần Quốc Hùng - Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh

Theo ông Lê Đức Năm - Tổng thư ký Hội tưới tiêu, quy hoạch, thủy điện hiện nay vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm và đáp ứng được một nhu cầu duy nhất là phát điện.

Ông Năm đưa ra con số, trong hàng trăm thủy điện lớn nhỏ đã và đang được quy hoạch xây dựng, chỉ mới có 2 quy trình vận hành liên hồ được Bộ TN-MT trình Chính phủ phê duyệt và ban hành, trong đó quy định việc vận hành theo thứ tự đảm bảo an toàn công trình, góp phần giảm lũ hạ du và đảm bảo hiệu quả phát điện. Như vậy, yêu cầu giảm lũ hạ du vẫn đứng thứ hai. Đa số nhà máy còn lại đều quy định an toàn rồi đến hiệu quả phát điện và yếu tố giảm lũ hạ du đứng cuối. “Là nói vậy, nhưng nhà máy thủy điện nào cũng chỉ chăm chăm tính đến hiệu quả điện năng trước. Có thể hiệu quả giảm lũ, nhưng là lũ bé, chứ những cơn lũ lớn họ còn phát sinh lũ chồng lên lũ” - ông Lê Đức Năm nói.

Ông Trần Văn Ơn - Chi cục trưởng chi cục thủy lợi Quảng Ngãi cho rằng: “Chỉ rất đơn giản là hiện nay đếm xem có bao nhiêu nhà máy thủy điện đảm bảo đầy đủ các trạm quan trắc, đo mưa trong phạm vi nhà máy? Rất hiếm. Vậy mà không hiểu sao những nhà máy thủy điện vừa và nhỏ vẫn đua nhau phát triển” .

Hàng ngàn hồ chứa, đập dâng, trạm bơm... ở vùng hạ du hiện đang phải chạy theo thủy điện để thực hiện chức năng. Mùa khô kiệt, thủy điện tích nước, mùa lũ lại xả tràn khiến hạ du lãnh đủ.

Các Bộ đá nhau

Ông Lê Đức Năm cho rằng, quy hoạch thủy lợi trước đây gần như bị bỏ ngỏ và đến bây giờ tuy đã được chú ý nhưng lại không được coi trọng. “Chúng tôi nhiều lần trình các Bộ liên quan những quy hoạch thủy lợi rất chi tiết và cụ thể, đồng thời đề cập trách nhiệm. Nhưng Bộ nào cũng nói, quy hoạch thủy lợi là quy hoạch động, làm sao mà phê duyệt, nói tóm lại là ai cũng sợ và né tránh trách nhiệm. Sau này, khi Chính phủ quy định phải có quy hoạch cụ thể thì mới được đầu tư nên họ mới phê duyệt ào ào và chủ yếu vẫn hướng tới phát triển nông nghiệp. Nên nhớ rằng, quan hệ giữa thủy lợi và thủy điện là sự sống còn, không chỉ nông nghiệp mà đó là dân sinh”.

Có quá nhiều nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn
Có quá nhiều nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn.

Ông Trần Quốc Hùng - Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho hay, cơn lũ lịch sử nhấn chìm Hà Tĩnh vào tháng 10-2010 chính thức phơi bày bất cập trong quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện cũng như việc quản lý của các bộ ngành đối với thủy điện - thủy lợi. “Chúng tôi thấy các cơ quan quản lý hiện nói quá nhiều, nhưng làm chẳng được bao nhiêu. Những bất cập, thiếu sót Bộ TN-MT đổ hết cho Bộ NN&PTNT, thành ra cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm. Nhân đây, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ nên giao cho Bộ TN-MT chủ trì xây dựng và giám sát các quy trình vận hành liên hồ thủy điện - thủy lợi trên các lưu vực. Còn việc rà soát quy hoạch xây dựng giao Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương làm. Có như vậy mới rõ ràng trách nhiệm trong khâu quản lý” - ông Năm nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG