Thủy điện Hòa Bình sắp 'chết khát': Cảnh báo cuối cùng về một thảm họa?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các chuyên gia, để giải bài toán thiếu điện, phải sớm gỡ rào cản cơ chế, dám chịu trách nhiệm và gỡ nút thắt về nguồn, về đầu tư. Việc thủy điện Hòa Bình - thủy điện lớn cuối cùng ở khu vực miền Bắc còn nước - chỉ còn vài ngày nữa về mực nước chết sẽ kéo theo nguy cơ thiếu điện cực kỳ căng thẳng cho toàn miền Bắc.

Thủy điện Hòa Bình hết nước sẽ là thảm hoạ!

Tại toạ đàm ‘Giải quyết bài toán thiếu điện cách nào?’ do Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 9/6, ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (AO) - cho biết đã đưa ra những thông tin cảnh báo về tình trạng thiếu điện rất căng thẳng cho toàn miền Bắc trong những ngày tới nếu nước hồ thuỷ điện Hòa Bình về mực nước chết.

Theo ông Trung, từ tháng 4 đến nay, tác động của El Nino đi kèm nắng nóng kéo dài và hạn hán trên toàn Việt Nam khiến cho sản lượng điện toàn hệ thống có sự thay đổi rất mạnh, tăng phụ tải lên tới hơn 453 triệu kWh, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngay tại thủy điện Lai Châu, thủy điện rất quan trọng trong hệ thống dòng chảy sông Đà của Việt Nam đã đối mặt tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Lưu lượng nước về thấp chưa từng có kéo theo thủy điện Sơn La, Hòa Bình cũng trong cảnh không còn đủ nước để chạy máy.

Hàng loạt hồ thuỷ điện khác khu vực miền Bắc cũng đang ở mực nước chết. Cùng với suy giảm nguồn phát từ các thuỷ điện các nhà máy nhiệt điện cũng gặp nhiều sự cố do phải vận hành tối đa công suất trong thời gian dài. Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã huy động tất cả các nguồn điện trên toàn quốc, kể cả các nguồn điện chạy dầu ở mức trên 5.000 đồng/kWh.

Đáng chú ý, theo ông Trung, việc nhập khẩu điện hiện nay cũng không hề dễ dàng khi việc bán điện từ Trung Quốc và Lào đều gặp khó khăn. Ngay ở Trung Quốc cũng đang đối mặt tình trạng thiếu điện và phải tiết giảm công suất.

“Chúng tôi vẫn cần sự đồng hành của khách hàng trong việc duy trì hệ thống điện miền Bắc ổn định. Nếu không tiết kiệm, không có giải pháp sớm thì khi nhà máy Thủy điện Hòa Bình hết nước, về mực nước chết, chúng ta sẽ bị mất nguồn điện lên tới 1.920 MW. Khi nhà máy có vai trò điều tần hệ thống này không còn nữa sẽ ảnh hưởng rất lớn cho việc cấp điện không chỉ ở miền Bắc mà cả ở quy mô quốc gia Tình hình lúc ấy sẽ rất khó khăn và căng thẳng hơn rất nhiều”, ông Trung cho hay.

Thủy điện Hòa Bình sắp 'chết khát': Cảnh báo cuối cùng về một thảm họa? ảnh 1

Những con thuyền đánh cá nằm chơ vơ giữa lòng sông không một giọt nước phía hạ lưu thuỷ điện Sơn La. Ảnh: Chí Tuệ.

Ông Nguyễn Hữu Khải - Trưởng phòng kinh doanh mua bán điện của Công ty Mua bán điện thuộc EVN - cho biết, điện nhập khẩu từ Trung Quốc về chỉ khoảng 4 triệu kWh/ngày, nhập từ Lào về hơn 7 triệu kWh/ngày. Điện nhập khẩu chiếm rất thấp, khoảng 1,3% trên tổng lượng điện tiêu thụ gần 900 triệu kWh/ngày. Việc nhập khẩu điện được thực hiện từ năm 2005 đến nay và vẫn đang được thực hiện. Tuy những ngày qua, lượng điện Trung Quốc bán cho Việt Nam cũng suy giảm nhiều.

Về giải pháp cung ứng điện, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, hiện có 3 nhà máy nhiệt điện đang gặp sự cố và tập đoàn dồn hết sức cùng các đơn vị cố gắng khắc phục sớm nhất, kỳ vọng đến tháng 7 sẽ có thêm nguồn điện hơn 1.000 MW nhiệt điện than được đưa vào vận hành.

Cần sự quyết liệt giải quyết từ cấp cao

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư - cho biết, để giải bài toán thiếu điện, trước tiên phải biết nguyên nhân của thiếu điện là gì. Phải khẳng định thiếu điện hiện nay là do hạn hán, nắng nóng. Đây là yếu tố do ‘ông trời’ quyết định chứ không phải do con người.

“Công suất đặt thì lớn nhưng chúng ta không có dự phòng và đang phải vận hành hệ thống điện theo kiểu giật gấu vá vai. Thiếu điện hiện nay chỉ nhìn vào EVN là không đúng, cũng chưa thấy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước ở đâu”, ông Cung nói và cho rằng, việc thiếu điện hiện nay có tính hệ thống, thiếu điện đã được cảnh báo nhưng lại không có hành động rõ ràng. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, thật quyết liệt từ các cấp cao nhất câu chuyện sẽ rất khó giải quyết. Cùng với việc thiếu điện, cần có cơ chế để nhà đầu tư nhìn thấy thiếu điện là cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển thay vì nhìn nó như một nút thắt, kìm hãm sự phát triển.

Mổ xẻ việc thiếu điện hiện nay, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng Xanh - cho biết, Việt Nam đang trong một giai đoạn rất khó khăn để lựa chọn trong những năm tới sẽ chọn phương án nào để đầu tư và phân bổ nguồn điện ở các vùng.

“Việt Nam đang phải làm một quy hoạch điện quá xa nên không sát với thực tế. Theo quy định của Luật Quy hoạch phải sau 10 năm mới có sự điều chỉnh. Nếu theo Luật Quy hoạch, chỉ có 4 điều được quy định liên quan đến quy hoạch điện và không có bất kỳ hướng dẫn nào đi kèm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hướng dẫn các bộ liên quan đến việc triển khai các quy định về quy hoạch với ngành điện. Tôi chưa nhìn thấy vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở đâu”, ông Sơn nói

MỚI - NÓNG