11 nhà máy thủy điện lớn dừng hoạt động
“Giờ nhà báo đi khắp các hồ thủy điện trên toàn quốc sẽ thấy các hồ thủy điện hầu hết đã ‘đắp chiếu’ vì không còn nước để chạy máy. Trời không cho nước, thủy điện cạn kiệt thế này là do hạn hán, do tác động của El Nino chứ. Mất điện ai cũng kêu. Chúng tôi hiểu bức xúc đó. Nhưng suốt thời gian dài qua, chúng tôi đã làm hết sức, huy động tất cả những nguồn phát điện trên toàn Việt Nam. Giờ là lúc khó khăn chưa từng có với ngành điện”, lãnh đạo một đơn vị thuộc EVN nói với PV Tiền Phong khi được hỏi về giải pháp cấp điện trong thời gian tới.
Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Công Thương ngày 8/6, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, đã có tổng cộng 11 nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam phải dừng phát điện vì thiếu nước gồm: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.
Yêu cầu cơ quan, công sở tiết kiệm tối thiểu 5% tiêu thụ điện
Ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện. Mục tiêu đề ra là trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, công sở phối hợp với công ty điện lực tại địa phương xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện cho đơn vị mình, đảm bảo hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5% tổng điện năng tiêu thụ trong năm. Văn Kiên
Điều lo ngại nhất, tình trạng hạn hán nghiêm trọng đã khiến tất cả các hồ chứa ở khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ ở mức rất thấp. Hàng loạt hồ thủy điện đã ở mực nước chết: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An.
Theo Cục Điều tiết điện lực, dù đang đối mặt tình trạng cạn kiệt nước, dưới mực nước chết, nhưng nhiều nhà máy thủy điện vẫn phải duy trì việc phát điện. Theo tính toán, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.
Thủy điện Thác Bà lượng nước trong hồ đã về mực nước chết và lần đầu tiên phải dừng 2 tổ máy Ảnh: Nguyễn Bằng |
Trao đổi với PV Tiền Phong, ngày 8/6, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà, cho biết mực nước tại hồ thủy điện Thác Bà đã xuống dưới mực nước chết từ ngày 1/6. Công ty đã phải dừng hoạt động của 2 tổ máy (công suất mỗi tổ máy 40MW) và chỉ duy trì tổ máy số 3 tiếp tục phát điện ở mức tối thiểu với sản lượng 15MW nhằm đảm bảo cung cấp nước cho hạ du và duy trì cung cấp điện cho đời sống của nhân dân.
Theo ông Cường, hạn hán do El Nino gây ra đã khiến lưu lượng nước về hồ giảm 10 lần so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 8-10m3/s. Dung tích hồ chứa của Thác Bà lên tới 2,9 tỷ m3 nhưng hạn hán đã khiến lượng nước trong hồ giờ chỉ còn 700 triệu m3. Tính về độ cao, lượng nước trong hồ đã giảm tới 13m, làm lộ toàn bộ cửa nhận nước của nhà máy. Điều đáng lo ngại nhất chính là dù lượng nước trong hồ đã ở dưới mực nước chết 0,5m nhưng vẫn phải phát điện lên hệ thống.
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhà máy Thủy điện Thác Bà phải dừng hoạt động của 2 tổ máy do thiếu nước. Sản lượng điện của nhà máy cũng giảm 10 lần so với cùng kỳ của năm 2022, chỉ đạt 2 triệu kWh trong khi tháng 5/2022, nhà máy phát được tới 20 triệu kWh”, ông Cường nói.
Tại thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên), Nhà máy Thủy điện Sơn La, thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, với tổng công suất 2.400MW đang đối mặt tình trạng khô hạn chưa từng có. Hạn hán kéo dài khiến mực nước trong hồ thủy điện Sơn La chỉ còn 174,93m, thấp hơn mực nước chết và thấp hơn 40,07m so với mực nước dâng bình thường.
Đại diện Công ty Thủy điện Sơn La, cho biết, kể từ khi đưa vào vận hành, lần đầu tiên cả Nhà máy thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu (công suất 1.200MW) phải vận hành dưới mực nước chết. 3-4 ngày qua, nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu gần như không hoạt động.
EVN yêu cầu lập lịch cắt giảm theo cấp ưu tiên
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản khẩn gửi Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), yêu cầu EVNNPC tính toán, phân bổ công suất cho các Công ty Điện lực cấp tỉnh và nguyên tắc điều hoà, tiết giảm điện.
EVNNPC cũng được lưu ý ưu tiên cấp điện cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng được UBND cấp tỉnh phê duyệt; ưu tiên cấp điện phục vụ các hoạt động chính trị - xã hội quan trọng và các sự kiện khác trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh.
EVN yêu cầu hạn chế tiết giảm điện quá 8h đối với khách hàng sinh hoạt, hạn chế việc tiết giảm vào các khung giờ sinh hoạt của các phụ tải sinh hoạt và vào các ngày cuối tuần của các phụ tải tại các khu du lịch dịch vụ.
Có thể cắt điện bất cứ lúc nào
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), xác nhận với phóng viên Tiền Phong về việc cắt điện ở miền Bắc sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới.