Thượng viện Mỹ chặn dự luật trị giá 118 tỷ đô la về vấn đề biên giới, viện trợ Ukraine, Israel

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã ngăn chặn nỗ lực lưỡng đảng nhằm thông qua dự luật tăng cường an ninh biên giới, nhưng cho biết họ vẫn có thể phê duyệt viện trợ cho Ukraine và Israel.
Thượng viện Mỹ chặn dự luật trị giá 118 tỷ đô la về vấn đề biên giới, viện trợ Ukraine, Israel ảnh 1
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer. Ảnh: Reuters

Với kết quả 50 phiếu thuận và 49 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã không thể thông qua dự luật chi tiêu trị giá 118 tỉ đô la nhằm thắt chặt luật nhập cư, giúp Ukraine đối phó với Nga và hỗ trợ Israel trong cuộc chiến với Hamas.

Dự luật này cần 60 phiếu thuận để được chuyển đến Hạ viện, nơi đảng Dân chủ đang kiểm soát với 51 ghế (so với 49 ghế của đảng Cộng hòa).

Trong suốt nhiều tháng, đảng Cộng hòa đã nhấn mạnh rằng bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào cho hai đồng minh của Mỹ cũng phải xếp sau ưu tiên giải quyết tình trạng nhập cư ở biên giới Mỹ - Mexico.

Nhưng nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã nhanh chóng lên tiếng phản đối dự luật mới khi nó được công bố hôm 4/2, dù dự luật dành một khoản không nhỏ cho vấn đề biên giới.

Ngoài 20,23 tỷ đô la cho an ninh biên giới, dự luật còn bao gồm 60,06 tỷ đô la hỗ trợ Ukraine đối phó với Nga, 14,1 tỷ đô la hỗ trợ an ninh cho Israel, 2,44 tỷ đô la cho Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ để đối phó với căng thẳng ở Biển Đỏ, 4,83 tỷ đô la để hỗ trợ các đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thêm 10 tỷ đô la sẽ được phân bổ để hỗ trợ nhân đạo cho dân thường ở Dải Gaza, Bờ Tây và Ukraine.

Chỉ có bốn trong số 49 thành viên đảng Cộng hòa của Thượng viện bỏ phiếu tán thành dự luật.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Lankford, một trong những nhà đàm phán, cho biết: "Một số người nói với tôi rằng họ có quan điểm khác nhau về dự luật. Họ nói giờ không phải là thời điểm thích hợp để giải quyết vấn đề. Hãy để cuộc bầu cử tổng thống giải quyết nó".

Thượng nghị sĩ độc lập Kyrsten Sinema, một trong những tác giả của dự luật, cho biết bà cảm thấy bối rối trước sự thay đổi đột ngột. Bà nói: “Ba tuần trước, mọi người đều muốn giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới. Nhưng hôm qua không có ai làm vậy".

Tuy dự luật nói trên không được thông qua, nhưng Quốc hội Mỹ vẫn để ngỏ khoản viện trợ cần thiết cho các đồng minh. Thượng viện dự kiến sẽ bỏ phiếu vào hôm nay, 8/2, về dự luật chi tiêu trị giá 96 tỷ đô la, loại bỏ các khoản liên quan đến vấn đề nhập cư và giữ nguyên các khoản viện trợ nước ngoài.

Một phụ tá của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roger Wicker dự đoán rằng gói viện trợ nước ngoài sẽ nhận được hơn 60 phiếu thuận trong Thượng viện 100 ghế.

Ngay cả khi được thông qua, khoản viện trợ này vẫn phải đối mặt với những trở ngại tại Hạ viện, vì đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện không sẵn sàng hỗ trợ thêm cho Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nói rằng dự luật "sẽ chết" khi được chuyển đến cơ quan này.

Trong khi đó, Chủ tịch Johnson cũng cho biết ông sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác để luận tội quan chức biên giới hàng đầu của Tổng thống Joe Biden là Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, sau khi nỗ lực đầu tiên thất bại trong cuộc bỏ phiếu hôm 6/2. Ông nói với các phóng viên hôm thứ Tư: “Những gì xảy ra ở đây thật là một mớ hỗn độn, nhưng chúng tôi đang dọn dẹp nó”.

Hồi tháng 10, Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội thông qua dự luật cung cấp thêm kinh phí viện trợ cho Ukraine, Israel. Nhưng dự luật này đã bị đình trệ do đảng Cộng hoà tại Hạ viện khăng khăng yêu cầu phải gắn liền với sự thay đổi trong chính sách nhập cư.

Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được công bố tuần trước, nhập cư là mối quan tâm lớn thứ hai đối với người Mỹ và đặc biệt là vấn đề hàng đầu đối với đảng Cộng hòa. Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ đã bắt giữ khoảng 2 triệu người di cư tại biên giới trong năm tài chính 2023.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.