Thưởng thức “sách sống” của Việt Nam

Trưởng ban nội dung Nguyễn Mỹ Linh.
Trưởng ban nội dung Nguyễn Mỹ Linh.
TP - Human Library Vietnam (Thư viện sách sống) là dự án để những người bị kỳ thị, định kiến trong xã hội có cơ hội được kể chuyện đời mình cho công chúng, để mọi người có dịp được lắng nghe cảm thông hơn với những gì họ phải chịu đựng.

Ở lần ra mắt cộng đồng lần đầu vào năm ngoái, Human Library VN mới tập trung vào mở “thư viện sách sống” cho bạn đọc, thì năm nay dự án có tới 4 sự kiện gắn với nhiều từ khá lạ tai: Triển lãm nghề nghiệp nhiều định kiến, Thảo luận phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, Open mic- trình diễn nghệ thuật, đấu thơ (slam thơ) về tâm lý giới tính và Ngày đọc sách của “Thư viện sách sống”.

Nhưng khác với TED (Một chuỗi những buổi hội thảo toàn cầu)? là nói cho nguyên cả khán phòng mấy trăm người, Human Library mỗi lượt kể chuyện chỉ trong một nhóm nhỏ 5-7 người, có khi kể cho một người nghe thôi.

Dự án Human Library bắt đầu tại Đan Mạch vào năm 2000, hiện đã có mặt tại 70 quốc gia. “Thư viện sách sống” đến Việt Nam tháng 6/ 2016 nhờ nỗ lực thuyết phục của một du học sinh VN tại trường Đại học Oberlin (Ohio, Mỹ) - Lê Anh Thư. Nữ sinh viên cho biết hiện đang là kỳ nghỉ hè, trong năm, cô điều hành “thư viện” qua mạng.

Năm nay tổ chức đã lên tới 60 thành viên và 40 cộng tác viên, đa số là sinh viên và học sinh cấp 3 “làm việc không lương vì yêu thích”. Human Library VN hoạt động phi thương mại và phi lợi nhuận như tiêu chí của Human Library quốc tế. “Thư viện” tại VN năm nay tự tìm được một nhà tài trợ nhưng số tiền không đáng kể và các bạn trẻ chưa nhận được. Tạm thời, chúng tôi vay của bố mẹ, khi có sẽ hoàn lại - Anh Thư chia sẻ.

Sáng lập viên, trưởng BTC Lê Anh Thư cho biết năm nay vì xã hội có thêm nhiều vấn đề nên BTC quyết định mở thêm một số sự kiện đi kèm  để giúp cộng đồng hiểu sâu hơn về những người “ít được xã hội thiên vị” hoặc góc khuất của những “danh tính” , để họ được lắng nghe và chấp nhận nhiều hơn.

Thưởng thức “sách sống” của Việt Nam ảnh 1 Plastic- Biểu tượng thời trang Châu Á, “đầu sách” trầm cảm.

Góc bình thường của “danh tính”

Triển lãm “Các ngành nghề nhiều định kiến” là hoạt động mở đầu của “Thư viện sách sống” năm nay, giới thiệu 10 nhân vật. Mỗi nhân vật với danh tính như xạ thủ, tướng quân đội, bác sĩ, thầy đồng, ca sĩ, bảo mẫu trại trẻ khuyết tật, nhân viên pha chế quán bar…  được tái hiện qua những bức ảnh, đặt cạnh là lời nói mở lòng trích từ phỏng vấn.

Con người hiện đại bận rộn trong vòng hiểu biết của mình, đôi khi đánh giá nghề nghiệp người khác bằng con mắt chủ quan dựa trên ấn tượng trực giác. Những định kiến, ảnh hưởng rất lớn không chỉ lên đối phương, mà lên cả những người xung quanh và cả chính bản thân họ.

“Chúng tôi muốn hé lộ góc con người bình thường của một danh tính. Qua hình ảnh và câu chuyện ngắn gọn của mỗi nhân vật, cộng đồng có thể cởi mở, bớt xa lạ, có cái nhìn đa chiều hơn với nghề nghiệp đó”.

Hỏi Anh Thư: tại sao bạn lại chọn “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” cho buổi thảo luận, Thư giải thích: có nhiều bộ phim, bộ ảnh, video nói về người LGBTQ (đồng tính, song tính, chuyển giới) nhưng cái nhìn vẫn chưa đúng lắm. Nhiều nhiếp ảnh gia chụp người LGBTQ với mục đích câu view gây tò mò. Bộ phim tài liệu về chị Phụng có đủ sức thuyết phục. Chúng tôi muốn thảo luận về cách truyền thông hiểu về cộng đồng LGBTQ.

Sự kiện kế tiếp Open Mic - Trình diễn nghệ thuật về sức khỏe tâm lý được hiểu nôm na là các nhà thơ khách mời sẽ lên đọc bài thơ họ viết về cảm xúc tâm lý, giới tính, tình dục. Khán giả hoặc nhà thơ khác có thể có đối đáp tương tác cùng nghệ sĩ. Gần đây, cộng đồng mới được làm quen với Đấu thơ (Slam thơ) qua cuộc thi nhân Ngày Quốc tế Pháp ngữ, tuy nhiên đấu thơ về sức khỏe tâm lý thì đây là lần đầu tiên tại VN.

Thưởng thức “sách sống” của Việt Nam ảnh 2 Sáng lập viên Human Library VN-  Lê Anh Thư.

Mỗi người là một “đầu sách”

Các “đầu sách” (nhân vật) ngồi trong một phòng lớn, mỗi bàn sẽ có biển ghi chủ đề như trầm cảm, nữ quyền, chuyển giới, xăm trổ ....  Độc giả (từ 1-7 người) sẽ ngồi vào bàn có chủ đề họ quan tâm, chính là lúc họ bắt đầu đọc một cuốn sách sống trong vòng 15 phút. Bạn đọc có thể chia sẻ, đặt câu hỏi, bình luận. Các “đầu sách” có thể tham gia cả 2 ngày nếu có nhiều bạn đọc đăng ký. Thú vị ở chỗ bạn đọc không biết trước đầu sách là ai, tên gì.

Năm nay Hương Giang Idol là đầu sách chuyển giới, khi ngồi vào bàn rồi bạn đọc mới biết đầu sách mình chọn là người nổi tiếng. Năm ngoái mùa đầu tiên, bạn đọc được tiếp cận với đầu sách “xỏ khuyên”, “ăn chay’”... “Ngày đọc sách” năm nay số bạn đọc đăng ký đông hơn, 58 đầu sách đã đồng hành với dự án Human Library VN trong hai mùa.

Trưởng ban nội dung Nguyễn Mỹ Linh - du học sinh THPT ở Mỹ tham gia “Thư viện sách sống” lần thứ hai nhân dịp nghỉ hè. Năm ngoái, Linh tham gia ban nội dung đồng thời chính Linh là “đầu sách song tính”. Nhìn vẻ ngoài dịu dàng, thanh nhã ít ai nghĩ nữ sinh 18 tuổi này dám dũng cảm công khai giới tính của mình.

Có lẽ từ “đầu sách” dễ nghe và mềm mại hơn từ “nhân vật”. “Khi bạn được gọi là “đầu sách chuyển giới” , “đầu sách ma túy”... nghe sẽ thấy “khoa học” và bớt hẳn áp lực hơn khi bị gọi là “nhân vật chuyển giới”, “nhân vật ma túy”.

Mỹ Linh là người trực tiếp liên hệ với Plastic (bút danh) blogger thời trang người Việt , tác giả của tự truyện “Lỗi” đang đắt khách trên các kệ sách và mời chị làm đầu sách trầm cảm cho thư viện năm nay. Ban nội dung cảm thấy tự hào vì đã mời được biểu tượng thời trang châu Á có triệu người theo dõi. Plastic mắc chứng trầm cảm, tự hại, nhiều lần nhập viện tâm thần, bị tấn công trên đường phố bởi vẻ ngoài “khác thường”, rất có thể lần này chị kiêm luôn cả đầu sách “ăn mặc lạ lùng” “xăm mình”, “rối loạn ăn uống”...

“Không nên nhìn một người qua danh tính của họ”. Đồng tính, trầm cảm và rất nhiều danh tính dễ bị ác cảm khác chỉ là một phần trong họ, ngoài ra họ vẫn là “con người hoàn chỉnh”. Mỗi người trong mỗi chúng ta là một đầu sách. Những thông điệp này đã thuyết phục một số lượng đáng kể những người vốn ẩn mình, ngại đám đông gia nhập Human Library VN.

47 nghìn like trên fanpage,1.200 độc giả lắng nghe, chia sẻ, và cảm thông với những câu chuyện đầy tính nhân văn của các đầu sách. 8.064 là số lượt chia sẻ của bài viết gây nhiều tranh cãi nhất trên fanpage của dự án.

MỚI - NÓNG