Thưởng Tết lên tới 40 triệu đồng
Cô N.T.K.A, giáo viên một trường THCS ở quận 12 (TP HCM) cho biết, thời điểm này nhà trường đã rậm rịch chuẩn bị các khoản thưởng Tết cho giáo viên. Cũng như năm trước, năm nay dự tính mỗi giáo viên được thưởng hơn 40 triệu đồng. Giáo viên có xếp loại thi đua và giữa loại A và B chỉ chênh nhau vài triệu tiền thưởng. Tiền thưởng được công khai rõ ràng trong kỳ họp hội đồng của nhà trường.
Theo cô K.A, hàng ngày, giáo viên ở TP.HCM đứng lớp với sĩ số cao rất áp lực. Cuối năm được nhận về một khoản tiền thưởng Tết như vậy ai cũng háo hức, vui vẻ. “Hỏi bạn bè là giáo viên các trường cũng thấy khoản thưởng chênh lệch nhau, có trường thưởng 25- 30 triệu nhưng cũng có trường lên tới 50 triệu”, cô K.A nói.
Được biết, số tiền thưởng giữa các trường tại TP.HCM khác nhau bởi tiền thưởng được tính tổng từ khoản tiền tiết kiệm chi tiêu hàng năm của nhà trường và tiền thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 03 của Hội đồng nhân dân TPHCM. Trong đó, khoản tiền tiết kiệm chi tiêu hàng năm của các trường khác nhau.
Cô H.Th.Tr, giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Tăng, quận 9 (TP.HCM) cũng tiết lộ mức thưởng dự kiến năm nay khoảng 30 triệu. Theo cô Tr đây là mức thưởng tương đương với năm ngoái. “Hai vợ chồng đều là giáo viên nên số tiền thưởng Tết là một khoản lớn để sắm sửa và tích cóp thêm sau một năm làm việc”, cô Tr nói. Nữ giáo viên này cho biết thêm, để có khoản tiền thưởng Tết như vậy, ngoài khoản thu nhập tăng thêm theo quy định của TP, từ đầu năm học, hiệu trưởng nhắc nhở giáo viên, học sinh tiết kiệm tối đa các chi phí về điện, nước, mua sắm cơ sở vật chất và các hoạt động để cuối năm có tiền thưởng Tết được “ấm” hơn.
Trong khi đó, ở TP Hà Nội, theo tìm hiểu của PV, số tiền thưởng dành cho giáo viên ở các trường công lập chỉ dừng lại ở mức 5-7 triệu đồng. Thậm chí, có giáo viên ở bậc tiểu học tâm sự, mỗi năm Tết đến xuân về, cô chỉ được thưởng chai dầu ăn, gói mì chính.
Bà Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, Tết năm nay trường dự kiến thưởng giáo viên khoảng 5-6 triệu đồng. Trường học không có nguồn gì để thưởng Tết nên để động viên giáo viên, trong cả năm chi tiêu cân đối, tiết kiệm dùng điện, nước… số tiền dư sẽ được chia đều ra. Cũng theo bà Hiền, số tiền này cũng đã là khá so với một số trường, vì năm nay trường vừa được xây mới, không phải sửa chữa gì nhiều. Còn những năm trước, cuối năm chỉ có 1,5 - 2 triệu tiền thưởng cho một giáo viên.
Hiệu trưởng một trường THCS-THPT ngoài công lập tại Hà Nội có mức thu học phí xấp xỉ 10 triệu đồng/ tháng cũng tiết lộ: hàng năm, trường duy trì mức thưởng khoảng 5 triệu đồng/giáo viên (không phân biệt xếp loại). “Đây được xem là khoản tiền chúc mừng năm mới”, hiệu trưởng này nói.
21 năm không biết thưởng tết là gì
Thầy Nguyễn Thanh Bình, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chí Cà, huyện Xí Mần (Hà Giang) cho biết, trong 21 năm làm nghề dạy học, thầy chuyển qua 2 trường nhưng đều ở xã nghèo nên chưa từng biết đến thưởng Tết là gì. Không kỳ vọng tiền thưởng, nhưng kể cả quà cáp giáo viên vùng cao như thầy cũng chưa bao giờ được nhận.
“Trường nghèo, gia đình học sinh cũng nghèo, muốn học sinh đến trường đủ giáo viên phải đến nhà vận động phụ huynh và các em. Những dịp lễ như 20/11 giáo viên cũng tự góp tiền để tổ chức liên hoan với nhau cho có không khí”, thầy tâm sự. Hiện vợ chồng thầy Bình dựng căn nhà gần trường để dạy học, còn con cái gửi cho ông bà ở Tuyên Quang. Vì đường xa nên cứ 1-2 tháng, hai vợ chồng mới về thăm con một lần.
Thầy Dương Văn Vấn, Trường THCS ĐắkRve, huyện Kon Rẫy (Kon Tum), có gần 15 năm làm giáo viên cũng chia sẻ, chừng đó thời gian làm nghề cầm phấn, gần như không có năm nào được thưởng Tết. Có chăng, Công đoàn tặng 100.000đ tiền quà, nhà trường tuỳ theo năm tặng 100-200.000đ động viên thầy cô.
Thầy Vấn cho biết, nhiều năm nay, hai vợ chồng vẫn co kéo, chi tiêu để Tết đến gia đình vẫn đầy đủ thịt cá, bánh chưng. Chỉ buồn là quê ở xa (tỉnh Thừa Thiên Huế) trong khi chỉ được nghỉ dạy 1 tuần không thể về quê được. Vì thế, thầy chọn việc đi quyên góp quần áo, dầu ăn, gạo bánh… đi từ thiện cho cho học sinh các vùng khó khăn hơn để mang lại niềm vui, sự ấm áp cho các em.