> Máy ATM lại nghẽn trước và sau Tết?
> Lộ DN thưởng Tết kỷ lục hơn 620 triệu đồng
Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đã có 63/63 tỉnh, thành phố báo cáo về tình hình tiền lương năm 2012, tiền thưởng Tết năm 2013 và tình hình nợ lương ở các DN. Do mới có 11.678 DN (khoảng 3% số DN đang hoạt động) báo cáo nên các số liệu chưa phản ánh hết tình hình thực tế ở các địa phương.
Về tiền thưởng Tết năm 2013, hầu hết các DN báo cáo đều có kế hoạch. Theo thống kê, thưởng Tết dương lịch cho NLĐ có mức thưởng bình quân chung khoảng 1,1 triệu đồng/người, tăng khoảng 18% so với năm 2012 (bình quân 930.000 đồng/người).
Mức thưởng bình quân tại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu khoảng 1,3 triệu đồng/người; DN có vốn cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước khoảng 1,9 triệu đồng/người; DN dân doanh khoảng 622 ngàn đồng/người; DN FDI khoảng 1,2 triệu đồng/người. Người có mức thưởng cao nhất là 624,2 triệu đồng hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp FDI ở TPHCM.
Về thưởng Tết âm lịch, các DN báo cáo trong kế hoạch đều có thưởng Tết âm lịch, với mức thưởng bình quân cho NLĐ khoảng 3,5 triệu đồng/người (bằng 3/4 tháng lương), tăng khoảng 8,7% so với Tết âm lịch 2012.
Mức thưởng tại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu khoảng 4,6 triệu đồng/người; DN có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước khoảng 4,7 triệu đồng/người; DN dân doanh khoảng 2, 5 triệu đồng/người; DN FDI khoảng 3,3 triệu đồng/người. Người có mức thưởng Tết âm lịch cao nhất khoảng 650 triệu đồng, đang làm việc tại một doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai.
Theo bà Tống Thị Minh, để bảo đảm quyền lợi, ổn định đời sống NLĐ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đã có văn bản, công điện gửi Chủ tịch UBND và giám đốc Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện việc yêu cầu chủ DN phối hợp với các tổ chức công đoàn cơ sở có phương án thưởng, hỗ trợ NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán.
Rà soát, nắm tình hình nợ lương, nợ tiền tham gia BHXH đối với NLĐ, chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức các cuộc họp với chủ các DN, yêu cầu các chủ DN tìm mọi biện pháp để có nguồn kinh phí chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và đóng BHXH cho NLĐ.
Ngoài ra, các địa phương cần tập trung giải quyết các trường hợp DN bị giải thể, phá sản và ưu tiên việc giải quyết chế độ, quyền lợi của NLĐ; thực hiện việc tạm ứng ngân sách địa phương để trả cho NLĐ tại các DN có chủ doanh nghiệp bỏ trốn và bị nợ lương nhưng không đủ điều kiện hưởng BHTN.