Thương mại Việt - Trung: Còn nhiều dư địa để lập kỷ lục mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm qua, ngày cuối cùng của chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc và phát biểu tại Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Thủ tướng nói rằng dư địa thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn để lập các kỷ lục mới.

Hợp tác đầu tư thực chất, hiệu quả

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam hướng tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để thực hiện được mục tiêu trên, Việt Nam phải huy động mọi nguồn lực, tập hợp sức mạnh bên trong và bên ngoài. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung phát triển cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, tăng cường kết nối chiến lược giao thông đường sắt, đường bộ, viễn thông, điện.

Thương mại Việt - Trung: Còn nhiều dư địa để lập kỷ lục mới ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung và các đại biểu tham dự diễn đàn

Theo Thủ tướng, dư địa xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc còn rất lớn để lập các kỷ lục mới. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc. Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư mở rộng đầu tư vào Việt Nam, với tinh thần "nói là làm, cam kết là thực hiện, đã làm phải ra hiệu quả để kết quả cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam ưu tiên đầu tư có chọn lọc các dự án bảo vệ môi trường, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị. “Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư, thương mại thâm nhập vào thị trường của nhau, để lập ra các kỷ lục mới”, Thủ tướng nói.

Phát biểu tại Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối năm 2022, lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác lập quan hệ hợp tác trên tinh thần đối tác toàn diện trong thời đại mới. Chính vì vậy, cần có tổ công tác chuyên biệt về các vấn đề thỏa thuận cấp cao; làm sao để hợp tác đầu tư, thương mại đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, đóng góp thiết thực cho mối quan hệ “vừa đồng chí, vừa anh em” của hai nước.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung phát biểu, hợp tác kinh tế, thương mại của hai nước thời gian qua ngày càng sâu sắc, phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm. Càng lúc càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư. Theo ông Lưu hiện nay, thế giới thay đổi nhanh, do đó, Trung Quốc và Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác thương mại lên tầm cao mới, với trình độ cao hơn. Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng khẳng định sẽ nhập nhiều hơn gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Chính phủ luôn luôn lắng nghe

Trong khi đó, tại cuộc tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc như Texhong Hong, Energy China, GOERTEK, TCL, Thiên Năng, Trường Thành..., Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải điện, phụ trợ dệt may, xây dựng sàn trình diễn thời trang đẳng cấp quốc tế... Việt Nam cũng đang mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính tháo gỡ một số vướng mắc trong khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng, phát triển nhà ở xã hội...

Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Trung Quốc đánh giá cao và tin tưởng vào sự phát triển năng động của Việt Nam. Họ cho biết đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả và mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trên một số lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, bến cảng thủy nội địa, sản xuất ô tô, nghiên cứu phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam... Các tập đoàn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Trong đó cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cung cấp điện ổn định cho sản xuất, cung cấp đủ nguồn vật liệu san lấp mặt bằng để xây dựng các khu công nghiệp, tháo gỡ vướng mắc trong quy định phòng cháy, chữa cháy...

Về các đề xuất của các tập đoàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã thông qua Quy hoạch điện VIII, trong đó thực hiện chuyển đổi năng lượng, phát triển điện gió, năng lượng mặt trời; khuyến khích tự sản, tự tiêu, phát triển điện áp mái; các doanh nghiệp có thể căn cứ để đầu tư.

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn ngoài tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh ổn định lâu dài tại Việt Nam, cần quan tâm bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống người lao động, làm tốt công tác an sinh xã hội, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Trên tinh thần Chính phủ luôn luôn lắng nghe, nếu các doanh nghiệp có vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương không giải quyết thấu đáo thì gửi thư, phản ánh trực tiếp đến Thủ tướng để xem xét, xử lý.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.