Thương hồ chợ nổi Cái Răng khắc khoải ngày trở lại

0:00 / 0:00
0:00
Khu nhà trọ của thương hồ chợ nổi Cái Răng
Khu nhà trọ của thương hồ chợ nổi Cái Răng
TP - Chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ) nhiều tháng nay không còn cảnh nhộn nhịp, tấp nập mỗi sáng sớm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thương hồ bao đời sống bám chợ nổi đang từng ngày khắc khoải chờ chợ mở lại.

Xóm trọ dọc bên bờ sông tại khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng, cách chợ nổi vài trăm mét là nơi có nhiều thương hồ sống nhờ vào hoạt động của chợ nổi. Thường ngày, tầm 8 - 9 giờ sáng dãy nhà trọ không bóng người vì tất cả tập trung mưu sinh ở chợ. Tuy nhiên, hiện nay dãy nhà trọ gần chục phòng đều đủ người với tâm trạng khắc khoải, lay lắt chờ đợi ngày chợ nổi nhộn nhịp trở lại.

Bà Trịnh Thị Bé (81 tuổi) tóc bạc trắng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn ngồi buồn hiu trong căn trọ cũ xập xệ, nhìn chiếc ghe đậu dưới mé sông dùng để bán trái cây mấy chục năm nay.

“Mấy tháng trước, chợ nổi đông đúc, còn khách, bán trái cây ngày lời vài trăm ngàn, cả nhà sống đắp đổi qua ngày. Từ khi dịch bệnh bùng phát, hàng bán chậm, rồi ế, lỗ tiền vốn hoài nên nghỉ luôn đến giờ”, bà Bé rầu rĩ nói.

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, cho biết, khu vực chợ nổi có 41 bè neo đậu cố định, nhiều ghe đến và đi, địa phương đang đề xuất hỗ trợ từ phía chính quyền cho những thương hồ này. “Trước khi được phê duyệt hồ sơ, khu vực vẫn đang chia sẻ nhiều phần quà nhà hảo tâm hỗ trợ, để giúp họ có bữa ăn đầy đủ hơn. Đồng thời, khu vực cũng khẩn trương lập danh sách, để người dân có thể tiêm vắc-xin, sớm trở lại cuộc sống mưu sinh”, ông nói.

Bà Bé quê ở huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ), lấy chồng rồi cả hai dắt díu nhau ra chợ nổi Cái Răng sống bám chợ nổi mấy chục năm nay. Bà cho biết, chưa bao giờ chứng kiến cảnh tồi tệ như thế này, dịch bệnh kéo dài, không làm ra tiền phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. “Chuyển lên bờ bán cũng không được, vì trên bờ người ta cũng không ra đường. Giờ ráng chịu trận chờ thêm vài bữa nữa, xem có đi bán lại được không, chứ giờ rất khó khăn”, bà than thở.

Cùng dãy nhà trọ có chị Phạm Hồng Loan (35 tuổi) bán trái cây trên chợ nổi Cái Răng 17 năm nay. Gia đình có 6 người, gồm 2 vợ chồng chị và 4 đứa con nhỏ. “Khi chưa có dịch, mỗi ngày vợ chồng kiếm được 200 - 300 ngàn, đủ trang trải chi phí hằng ngày. Giờ neo ghe đã hơn 2 tháng, gia đình khó khăn trăm bề, từ tiền trọ, ăn uống, sinh hoạt, con học hành”, chị Loan trải lòng.

Không chỉ ghe xuồng buôn bán trái cây, thức ăn, nước uống neo đậu, những thương hồ đưa rước khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng cũng chung số phận.

Anh Dương Thanh Quyền (39 tuổi) vô cùng lo lắng bởi suốt nhiều tháng qua anh không có thu nhập từ việc chạy ghe. Dịch bùng phát, anh phải sử dụng tiền dành dụm được từ trước để trang trải ăn uống hằng ngày. Giờ tiền tiết kiệm gần cạn kiệt, không biết cầm cự được đến khi nào.

“Trước dịch, khách đi rất đông, nhiều ghe mua bán với nhau. Khi dịch bùng phát, chợ ngưng hoạt động, dẫn đến không có thu nhập, trong khi hằng ngày vẫn phải tốn chi phí ăn uống, sinh hoạt. Tôi mong chợ nổi sớm hoạt động trở lại để kiếm tiền hằng ngày sẽ dễ sống hơn”, anh Quyền bộc bạch.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.