Đầu tư lớn, nói không với đầu tư đa ngành
Đến bây giờ, slogan “Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang” vẫn là một trong vài slogan hiếm hoi hay, giản dị và giàu hình tượng, không chỉ là niềm tự hào của hàng Việt trong thời kỳ “nhá nhem” mở cửa thị trường, hàng hoá còn khan hiếm, cho đến tận hôm nay, thương hiệu vàng son vẫn tiếp tục “sáng”.
Công ty Bóng đèn Điện Quang chính thức trở thành Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang vào năm 2005 với mức vốn 23,5 tỷ đồng, thị trường eo hẹp, sản phẩm lỗi thời, lại bị hàng nhập lậu là các công ty nước ngoài chèn ép trong khi đa số các doanh nghiệp nhà nước thời điểm này đều chưa muốn từ bỏ những đặc quyền của một doanh nghiệp nhà nước. Chỉ 3 năm sau, năm 2008, Điện Quang với mã chứng khoán DQC đã chính thức được niêm yết, giao dịch trên sàn Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Việc cổ phần hóa sớm, nhanh chóng đưa hoạt động minh bạch công khai trên sàn chứng khoán đã giúp công tác quản trị của công ty tốt hơn.
Bên cạnh đó, cổ phần hóa cũng giúp Điện Quang chủ động nắm bắt được các cơ hội về đầu tư như đầu tư công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, đầu tư cho công tác nghiên cứu thử nghiệm, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cống hiến cho công ty.
Thời điểm năm 2007-2009, các doanh nghiệp đua nhau đầu tư đa ngành nghề nhưng Điện Quang vẫn kiên định con đường chuyên sâu, đây là cơ sở giúp công ty vượt qua được giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế tiếp ngay sau đó.
Nhanh nhạy nắm bắt công nghệ chiếu sáng LED hiện đại, năm 2007 Điện Quang đã nghiên cứu và đầu tư dây chuyền sản xuất đèn LED, đến nay, Điện Quang đã hoàn toàn làm chủ công nghệ với 5 dây chuyền dán chip LED hiện đại theo công nghệ Nhật Bản có công suất tương đương 30 triệu sản phẩm/năm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các yêu cầu khắt khe của các thị trường “khó tính” như châu Âu, Mỹ.
Điện Quang cũng mạnh tay chi hàng triệu USD cho hệ thống phòng thử nghiệm và là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam có khả năng thực hiện bộ dữ liệu quang phục vụ cho thiết kế chiếu sáng. Từ năm 2010, mỗi năm, Điện Quang cho ra đời từ 200-300 sản phẩmcác loại. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo công ty, để đáp ứng nhu cầu chiếu sáng hiện đại Điện Quang đã thành lập khối IOT chuyên nghiên cứu các sản phẩm chiếu sáng smartlighting, hệ thống điều khiển smarthome phục vụ cho dân dụng và công nghiệp. Ngoài thế mạnh là các sản phẩm chiếu sáng indoor, công ty cũng đẩy mạnh chiếu sáng outdoor đặc biệt là đèn đường LED chất lượng cao bảo hành 5-7 năm phục vụ cho chiếu sáng đô thị.
Chưa dừng lại, năm 2018 tới đây, Điện Quang sẽ tiến hành đưa vào hoạt động nhà máy công nghệ cao Điện Quang tại Khu công nghệ cao TP.HCM với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng.
Đã có lúc “tưởng chừng không thể vượt qua”
Gần 50 năm ra đời, phát triển, quãng thời gian gần hơn nửa một đời người cũng có những lúc thành, lúc bại mà hầu hết các thương hiệu lâu đời của Việt Nam đều phải trải qua nhưng quan trọng nhất vẫn là những thời điểm được cho là khó khăn nhất người đứng đầu và cả tập thể doanh nghiệp làm gì để vượt qua khó khăn, chấp nhận sự thất bại hay quyết định “bán mình” cho đối tác…?
Bằng chứng cho thấy, có những thương hiệu như kem đánh răng Dạ Lan khi đất nước chuyển mình sang đổi mới quản lý kinh tế thị trường, Dạ Lan bị bán cho một nhà đầu tư nước ngoài là Colgate Palmolive, sau đó mất thương hiệu. Hay thương hiệu xá xị Chương Dương từng là thứ đồ uống “hoàng kim” nhưng khi Coca-cola và Pepsi có mặt tại thị trường Việt Nam, thứ đồ uống đó đã hoàn toàn bị lép vế.
Nhìn lại Điện Quang, chông gai, thử thách lớn nhất mà Bóng đèn Điện Quang đã gặp trong 45 năm ra đời, phát triển không thể không kể đến là thời điểm năm 2003 khi Điện Quang tiếp nhận Công ty Phả Lại cùng khoản nợ hơn 70 tỷ đồng, lượng hàng tồn kho lớn, công ty gần như mất khả năng chi trả và thời điểm năm 2008 khi Cuba ngừng trả nợ. Những khó khăn này, chính lãnh đạo Bóng đèn Điện Quang phải thừa nhận “tưởng chừng không thể vượt qua”.
Cụ thể, năm 2003, khoản nợ của Phả Lại được chuyển sang cho Điện Quang, Điện Quang đã phải ứng vốn trả nợ thay để đảm bảo sản xuất kinh doanh, tránh mất vốn nhà nước, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Khoản nợ 70 tỷ đồng chưa thấm tháp vào đâu khi năm 2008 doanh thu ghi nhận của Điện Quang là 390 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,6 tỷ đồng nhưng khách hàng lớn nhất là Cu Ba nợ tới 1.000 tỷ đồng lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đến năm 2009 thì dừng hẳn đơn hàng. Trước tình hình “bi đát”, lương thấp, công nhân không muốn đi làm, Ban giám đốc Điện Quang đã quyết định thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, thương lượng lộ trình thanh toán với khách hàng Cuba, ký thoả thuận nới tiến độ thanh toán. Sau khi tìm được hướng thu hồi nợ công ty đã tiếp tục tính bài toán xử lý hàng tồn kho, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới.
Gần như ngay sau đó, khó khăn đã được khắc phục, những chỉ số về doanh thu, lợi nhuận của Điện Quang đã có những bước chuyển ngoạn mục từ doanh thu 390 tỷ đồng (năm 2008) lên mức 1.229 tỷ đồng (năm 2014), năm 2016 con số này là 1.038 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 204 tỷ đồng. Điện Quang liên tiếp nhiều năm liền lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.
Trở lại thực tại và tương lai, điều đáng sợ nhất đối với một doanh nghiệp đó là sự chững lại và không có tham vọng. Với quy mô thị trường trong nước hơn 90 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng mạnh mẽ, người đứng đầu Điện Quang chia sẻ, tham vọng của Điện Quang thể hiện chính ở câu slogan “Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang”với mong muốn các sản phẩm chiếu sáng và điện gia dụng sẽ đẩy lùi hàng nhập khẩu chất lượng thấp tại thị trường Việt Nam, khi người dùng nhắc đến sản phẩm chiếu sáng và thiết bị điện là nhắc tới Điện Quang.