Thuốc lá điện tử mới cần cơ chế thí điểm để quản lý trước khi luật hóa

Các đại biểu tại Tọa đàm cho rằng, cần soạn thảo khung pháp lý quản lý dòng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới
Các đại biểu tại Tọa đàm cho rằng, cần soạn thảo khung pháp lý quản lý dòng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới
TP - Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là sản phẩm mới chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật cũng như chính sách quản lý của các bộ ngành, do đó, cần cơ chế quản lý trước khi luật hóa đối với mặt hàng này.

Ngày 11/11, Tọa đàm về Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới đã do báo Pháp luật Việt Nam tổ chức trong bối cảnh Chính phủ có chỉ đạo Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, cùng với việc tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá qua Công văn số 4861 ngày 17/06/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Công văn số 8750 ngày 20/10/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tràn lan thuốc lá điện tử

Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), hai năm trở lại đây, trên thị trường xuất hiện tình trạng kinh doanh, mua bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Ông Minh cho rằng, đây là các loại thuốc lá thế hệ mới chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, chủ yếu nhập vào Việt Nam qua đường xách tay, buôn lậu. Dù chưa được cấp phép nhập và kinh doanh nhưng loại thuốc lá này vẫn được bày bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… Thống kê của đơn vị này, 8 tháng đầu năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường đã tịch thu hơn 8 triệu bao thuốc lá nhập lậu, riêng thuốc lá thế hệ mới số vụ ngày càng tăng. Đơn cử, năm 2019 lực lượng này chỉ phát hiện ở một số địa phương nhưng năm 2020 đã phát hiện và xử lý tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

“Riêng Cục Quản lý thị trường Hà Nội năm 2019 chỉ kiểm tra 6 vụ việc và thu khoảng 1.000 sản phẩm liên quan, trong khi 9 tháng dù COVID-19 thì riêng mặt hàng này đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm thuốc lá thế hệ mới,” ông Minh dẫn chứng. Đáng lưu ý theo ông Minh, không chỉ xuất hiện trên thương mại điện tử, thuốc lá thế hệ mới còn được bán công khai trên thị trường. Hơn nữa, khi bán đến tay người dùng thì lãi gấp 4-5 lần.

Điều đáng nói theo đại diện Tổng cục quản lý thị trường, đến nay vẫn chưa có khung pháp lý cho mặt hàng này. Do đó, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý vi phạm. "Hầu hết các vụ việc liên quan đến thuốc lá thế hệ mới đều được xử lý dưới dạng hàng lậu, xác định là loại hàng hoá do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh, chế tài xử phạt nhẹ hơn nhiều so với thuốc lá thông thường," ông Minh cho hay. Thông tin thêm, ông Vũ Hùng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, do nhu cầu về loại thuốc lá thế hệ mới là khá nhiều, trong khi đó lợi nhuận là vô cùng cao nên các đối tượng vẫn bằng cách này bằng cách khác để “tuồn” vào thị trường. Do đó, vị này cũng kỳ vọng sớm có khung pháp lý từ khâu sản xuất đến khẩu quản lý, kiểm tra kiểm soát để tránh tình trạng thất thu cho ngân sách.

Cần có khung pháp lý

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, sự xuất hiện của mặt hàng thuốc lá thế hệ mới có liên quan trực tiếp tới hệ thống pháp luật hiện hành về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như đặt ra yêu cầu phải có biện pháp để quản lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như trật tự quản lý nhà nước.

Tại Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 77/2013/NĐ-CP quy định về các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó các quy định về cai nghiện thuốc lá, về cấm hút thuốc lá nơi công cộng… Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu hiện đang áp dụng cho các loại thuốc lá điếu truyền thống. Đối với thuốc lá thế hệ mới, do có nhiều sự khác biệt về đặc tính sản phẩm cũng như cơ chế hoạt động so với thuốc lá điếu truyền thống, do đó cần nghiên cứu kỹ để đưa ra cơ chế quản lý phù hợp.

Bà Trần Tuyết Trang, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là sản phẩm mới chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như chính sách quản lý của các Bộ, ngành. Do đó cần thiết thực hiện nghiên cứu xây dựng ban hành khung chính sách quản lý các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tại Việt Nam.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng: Không nên ngay lập tức luật hóa tại thời điểm này mà bỏ qua giai đoạn thí điểm cho phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam. Bởi lẽ, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu, hiện vẫn còn rất mới mẻ đối với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam và các cơ quan quản lý.

Việc thí điểm sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ thông tin và cơ sở chính xác để đánh giá tác động kinh tế và xã hội của việc hợp pháp hóa dòng sản phẩm này cũng như đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm. Từ đó sẽ giúp xây dựng một khung pháp lý phù hợp với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá và đảm bảo dung hòa quyền lợi của các chủ thể liên quan, bao gồm Nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá và nông dân trồng thuốc lá.

MỚI - NÓNG