Theo đó, về thông tin người dân lâu nay lo ngại về dược liệu chứa các hóa chất chống nấm mốc nhưng hóa chất đó lại có thể gây độc cho người dùng. Về việc này, Cục Quản lý Y dược cổ truyền luôn đặt lên hàng đầu trong việc quản lý chất lượng dược liệu. Bởi, những chất bảo quản không những gây độc cho người sử dụng mà về lâu dài cũng có thể dẫn tới bị ung thư. Hiện nay, theo dược điển Trung Quốc 2015, các chất bảo quản như lưu huỳnh bị cấm sử dụng trong việc bảo quản dược liệu. Vì vậy, để đảm bảo dược liệu không bị nấm mốc và an toàn cho người sử dụng, Bộ Y tế đã có quy định cơ sở kinh doanh dược liệu phải có kho đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc theo khuyến cáo của WHO.
Ngoài ra, các dược liệu sau khi được thu hái thì phải sơ chế, đóng gói theo quy định của Bộ Y tế. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, các kho bảo quản dược liệu cũng phải đặt tại nơi khô thoáng, có điều hòa nhiệt độ và theo dõi nhiệt độ, độ ẩm đối với dược liệu và các vị thuốc y học cổ truyền. Trong quá trình bảo quản, cơ sở phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện ra những nấm mốc để xử lý kịp thời. Trong trường hợp dược liệu bị nấm mốc, cơ sở phải hủy dược liệu theo đúng quy định.
Ngoài ra, trên thực tế, có rất nhiều các cá nhân đã quảng cáo việc mua bán dược liệu trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là những dược liệu có giá trị cao trong điều trị hoặc bảo vệ sức khỏe, PGS.TS Trần Hồng Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân khi sử dụng cần quan tâm đến nguồn gốc của dược liệu đó. Để tìm hiểu thông tin, người dân có thể vào website của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền để tìm hiểu những cơ sở được nhập khẩu chính ngạch. Ngoài ra, đối với thuốc đông dược (những thành phẩm từ dược liệu) thì khi lưu hành bắt buộc phải có số đăng ký của Bộ Y tế nên những thuốc đông dược mà không có số đăng ký thì không sử dụng.