Thuế môi trường xăng tăng kịch trần, bóp chết doanh nghiệp?

Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng lên 4.000 đồng/lít sẽ khiến nhiều DN nhỏ nguy cơ chết yểu ảnh: hồng vĩnh
Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng lên 4.000 đồng/lít sẽ khiến nhiều DN nhỏ nguy cơ chết yểu ảnh: hồng vĩnh
TP - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với việc tăng thuế bảo vệ môi trường đánh lên xăng mức 4.000 đồng/lít sẽ khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là DN nhỏ và vừa suy yếu và nguy cơ chết yểu. Thay bằng việc tăng thuế mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, cơ quan chức năng nên siết chặt chi tiêu công, hạn chế tối đa lãng phí.

DN phải thắt lưng buộc bụng 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó tăng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức trần 4.000 đồng/lít. Xăng dầu, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn cũng được đề nghị tăng lên mức trần là 2.000 đồng, tăng từ 500 đến 1.700 đồng/lít tùy loại. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, quyết định này sẽ làm tăng lạm phát, tăng chi phí kinh doanh trong thời gian tới. Giá tất cả sản phẩm, dịch vụ từ mớ rau, quả trứng đến hạt gạo cũng sẽ tăng theo, bởi mọi sản phẩm đều phải qua khâu vận tải. Từ đó khiến chi phí của DN tăng lên.

“Kinh tế học có cân đối liên ngành. Giá của một mặt hàng đầu vào tăng, kéo theo giá đầu ra của các mặt hàng thứ 2 tăng lên. Ví dụ, xăng tăng giá sẽ khiến sắt thép tăng rồi gián tiếp tác động đến giá nhà. Sau 3 tháng, quá trình cân đối liên ngành này sẽ tác động đầy đủ”, TS Lê Đăng Doanh phân tích. 

Theo ông Doanh, việc tăng giá sẽ khiến năng lực cạnh tranh các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam giảm. Sản phẩm các nước ASEAN vào Việt Nam với mức thuế 0-5%, mặt hàng của Thái Lan tràn ngập siêu thị với giá ổn định, trong khi sản phẩm của Việt Nam tăng giá. 

“DN Việt phải thắt lưng, buộc bụng, cắt giảm mọi chi phí để có thể giữ thị phần trong nước. Thậm chí, nhiều DN nhỏ sẽ không thể tồn tại, mất đi công ăn việc làm cho người lao động”, ông Doanh cảnh báo.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, lí do Bộ Tài chính đưa ra để tăng thuế bảo vệ môi trường là thuế xăng dầu của Việt Nam thấp hơn so với các nước trên thế giới, như thế chưa thuyết phục. Trong bối cảnh hội nhập, các chính sách thuế phí phải dựa vào giá cơ sở của thế giới. Chính sách giá xăng dầu của một nước phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi quốc gia, không thể so sánh. Mức thuế, phí của Việt Nam quá cao lại thêm việc giá của mặt hàng quan trọng như xăng dầu tăng tuyệt đối. Dù giá thế giới tăng giảm, mức thuế không ảnh hưởng, như vậy chưa hợp lý với bối cảnh hội nhập.

“Sức cạnh tranh của DN Việt Nam rất yếu. Chi phí và giá của hàng hóa ở Việt Nam cao hơn so với thế giới. Tại sao trong điều kiện có rất nhiều mặt hàng mà cơ quan quản lý chỉ chú trọng tăng giá xăng? Hơn nữa, thu nhập của người tiêu dùng chưa được cải thiện, nếu cứ tăng giá sẽ đối mặt nguy cơ tụt hậu”, ông Long nhấn mạnh. 

Việc thu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu phải được sử dụng vào mục đích bảo vệ môi trường. Trong khi, thời gian qua, việc này chưa được tuân thủ nghiêm ngặt.

Nên cắt giảm chi thay vì tăng thu 
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, thay vì tăng thuế xăng dầu lên 4.000 đồng/lít, Quốc hội nên nghiêm khắc cắt giảm chi tiêu ngân sách, cắt giảm chi tiêu thường xuyên, lãng phí... Ví dụ, các khoản chi phí đi nước ngoài của cán bộ không hợp lý phải cắt bỏ. 

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, là đầu vào và đầu ra của rất nhiều ngành. Những năm vừa qua, Việt Nam kiểm soát được lạm phát cũng một phần nhờ giá xăng dầu giảm xuống. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu do Bộ Tài chính đề xuất và đưa ra khảo sát về tác động. Tuy nhiên, chưa có cơ quan nào kiểm chứng số liệu của Bộ Tài chính có chính xác hay không ? 

“Tăng thuế phí là hạ sách, bởi phải nuôi dưỡng nguồn thu mới có hiệu quả lâu dài. Trong thu phải có nhiều loại thu chứ không nhằm vào một mặt hàng như xăng dầu. Ngoài ra, các đánh giá về tác động của tăng giá xăng dầu mới là thông tin một chiều từ Bộ Tài chính, chưa có cơ quan độc lập khảo sát, đối chiếu khó tạo sự thuyết phục. Trước đó, nhiều lần Bộ Tài chính đưa số liệu nhưng cơ quan độc lập kiểm chứng và chưa chính xác với thực tế”, ông Long nói.

Ông Long cho rằng, trong bối cảnh, thu chi ngân sách mất cân đối, theo quyết định của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính phải tái cơ cấu cả thu và chi. Bộ Tài chính chỉ tập trung vào mặt hàng xăng dầu, mà không chú ý kiểm soát chi. Bao nhiêu dự án thất thoát nghìn tỷ chưa được xem xét kỹ. Đặc biệt, việc quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu như trên thể hiện chính sách điều hành không ổn định, dễ gây tâm lý lo lắng cho nhà đầu tư và người tiêu dùng.

 Tăng 320 đồng, giá E5 RON92 vượt 20.000 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng E5 RON92 trên toàn quốc tăng 320 đồng, lên 20.231 đồng/lít từ 15h ngày 21/9. Xăng RON95-III tăng 293 đồng, lên mức giá mới 21.770 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S và dầu hỏa bán lẻ tăng 57 đồng và 124 đồng, lên lần lượt: không cao hơn 18.126 đồng/lít và 16.683 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S bán lẻ được tăng 26 đồng, lên không cao hơn 14.942 đồng/kg. Liên bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giữ nguyên mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá với tất cả các mặt hàng xăng dầu. 

MỚI - NÓNG