Thuê bao di động có thể chuyển mạng giữ số từ tháng 12

Việc chuyển mạng giữ nguyên số sẽ được triển khai thử nghiệm từ tháng 12 tới.
Việc chuyển mạng giữ nguyên số sẽ được triển khai thử nghiệm từ tháng 12 tới.
Người dùng có thể lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cho mình mà không phải thay đổi số điện thoại từ cuối năm nay, theo thống nhất của cơ quan quản lý với 3 nhà mạng sáng 11/9.

Bộ Thông tin & Truyền thông vừa họp với các nhà mạng về phương án kết nối kỹ thuật và thời gian triển khai chính sách chuyển mạng giữ nguyên số. Theo đó, cả ba nhà mạng lớn Viettel, VNPT và MobiFone thống nhất sẽ chạy thử kỹ thuật việc chuyển mạng giữ nguyên số sau 3 tháng nữa, chậm 6 tháng so với lộ trình dự kiến hồi cuối năm ngoái. 

Các nhà mạng sẽ chạy thử hệ thống kỹ thuật, kết nối với Trung tâm chuyển mạng (Cục Viễn thông) và hệ thống của nhau trong tháng 12 tới. Dự kiến dịch vụ này sẽ được đưa vào khai thác thương mại chính thức từ đầu năm 2017. 

Tại cuộc họp sáng nay, trong khi ba nhà mạng lớn cho biết đã sẵn sàng triển khai thì các mạng nhỏ lại muốn xin lùi thời điểm. Trong khi đó, đại diện GTel vắng mặt tại cuộc họp, còn Hanoi Telecom (Vietnamobile) mong muốn được dời thời điểm chạy thử xuống tháng 12/2017. Lý do của nhà mạng là đang vướng chuyển đổi mô hình công ty nên chưa thể đầu tư hệ thống kỹ thuật để áp dụng chính sách này. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - Phạm Hồng Hải cho rằng, việc 3 nhà mạng lớn tham gia đã cho phép trên 90% thuê bao di động của Việt Nam được hưởng chính sách này. Nếu nhà mạng nào không thực hiện kịp, Bộ sẽ công bố công khai để khách hàng biết và sẽ theo các chính sách chung khi tham gia sau này.

Tại cuộc họp, đại diện Viettel cũng kiến nghị Bộ cần sớm đưa ra bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về giữ mạng chuyển số, yêu cầu năng lực hệ thống kỹ thuật để các doanh nghiệp có sự đầu tư đồng bộ và hành lang pháp lý để sẵn sàng cho việc kinh doanh.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, cơ quan quản lý sẽ áp dụng 2 chính sách để điều tiết việc chuyển mạng giữ nguyên số đó là thời gian được chuyển mạng của thuê bao và xây dựng mức phí chuyển đổi. Ví dụ mỗi thuê bao vừa chuyển mạng giữ nguyên số thì sau bao lâu mới được chuyển sang mạng khác. Bộ sẽ căn cứ trên tình hình thực tế để điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp. 

Về kỹ thuật, lãnh đạo Bộ yêu cầu năng lực hệ thống của doanh nghiệp cần đáp ứng cho quá trình chuyển đổi là có thể phục vụ 4 triệu thuê bao chuyển mạng trong 3 năm, không giới hạn số lần.

Dự kiến quy trình chuyển mạng di động giữ nguyên số gồm 7 bước như sau: Tiếp nhận yêu cầu chuyển mạng; Kiểm tra điều kiện chuyển mạng của thuê bao; Lập lịch chuyển mạng; Thực hiện chuyển mạng; Cập nhật thông tin định tuyến sau chuyển mạng; Đồng bộ cơ sở dữ liệu thông tin định tuyến và thông tin thuê bao chuyển mạng; Thông báo cho khách hàng thông tin về quá trình chuyển mạng. 

Đề xuất chuyển mạng di động không cần đổi số được Bộ Bưu chính Viễn thông cũ nay là Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập từ hồi cuối năm 2006. Tuy nhiên, đến tháng 9/2013, đề án triển khai mới chính thức được phê duyệt từ tháng. Theo đó, người dùng có khả năng tự lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cho mình mà không phải thay đổi số điện thoại. Quyết định trên giúp nâng cao tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường viễn thông và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Đến nay, trên thế giới có khoảng 70 quốc gia cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số, trong đó chủ yếu là các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia... Tại Việt Nam, các hãng viễn thông từng áp dụng hình thức đơn giản hơn để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ của mình.

Chẳng hạn, tại thời điểm mới tham gia thị trường, Viettel cho phép thuê bao đầu 091 (VinaPhone) và 090 (MobiFone) được chuyển sang mạng 098 mà vẫn giữ nguyên được dải 7 số cuối. Nghĩa là, khách hàng chỉ việc thay đổi mỗi đầu số 091 sang 098 hoặc từ 090 sang 098... Sau Viettel, S-Fone là hãng viễn thông thứ 2 áp dụng chính sách này để thu hút thuê bao.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG