Thực tế thách thức mục tiêu kép

0:00 / 0:00
0:00
Thủy sản là 1 trong 7 mặt hàng xuất khẩu chính, nhưng trong tháng 7, kim ngạch đã giảm gần 6% so với tháng trước. Ảnh: Nam Khánh
Thủy sản là 1 trong 7 mặt hàng xuất khẩu chính, nhưng trong tháng 7, kim ngạch đã giảm gần 6% so với tháng trước. Ảnh: Nam Khánh
TP - Dịch bệnh tác động mạnh lên nền kinh tế, tạo thách thức chưa từng có với “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Các số liệu thống kê cho thấy, kinh tế 7 tháng đầu năm kém khả quan và đặt ra vấn đề có thể phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên cho nửa cuối năm 2021.

Nhiều DN thu hẹp sản xuất

Cát Lái (TPHCM) là cảng container quốc tế lớn nhất nước. những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua quá tải kho bãi do hàng quá nhiều là điều chưa từng xảy ra. Tuy nhiên, hàng nhiều không phải do doanh nghiệp (DN) tăng nhập hay xuất khẩu, mà do dừng hoặc thu hẹp sản xuất, dẫn tới ứ đọng nguyên vật liệu nhập về.

Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ GTVT) Nguyễn Xuân Sang cho biết, cảng Cát Lái luôn hoạt động gần hết công suất, nhưng chưa từng xảy ra quá tải. Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, hàng vẫn đưa về theo hợp đồng trước đó (chủ yếu là nguyên, vật liệu) nhưng nhiều DN phải tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, nhu cầu lấy hàng tại cảng giảm.

Báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đang ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Trong 7 tháng qua, Việt Nam nhập siêu 2,5 tỷ USD (trong khi cùng kỳ xuất siêu 8,7 tỷ USD). Trong các mặt hàng xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực từng mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế nay giá trị xuất khẩu đã giảm so với tháng trước đó. Những mặt hàng giảm về giá trị xuất khẩu như: đồ gỗ, giày dép, thủy sản, máy tính, sản phẩm điện tử, gạo, tiêu, cà phê, chè... Tương tự, với 10 nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu, cũng có tới 8 nhóm giảm về trị giá trong tháng 7.

Để hỗ trợ nền kinh tế, giải pháp được Chính phủ lựa chọn là tăng đầu tư công. Tuy nhiên, thực tế giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng qua rất chậm. điều này một phần do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khiến việc thi công các dự án bị ảnh hưởng (một số đoạn cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành). Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tới hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cả nước chỉ đạt hơn 36% kế hoạch. Đặc biệt, giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 7,5% kế hoạch. Các chỉ tiêu này đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, có tới 34/50 bộ ngành, 15/63 địa phương giải ngân đạt dưới 25% (trong đó có 6 bộ, ngành chưa giải ngân được đồng nào).

Tới lúc phải xác định ưu tiên số1?

Tại hội nghị triển khai kế hoạch tháng 8 của Bộ Tài chính, ông Cao Anh Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thu thuế nửa đầu năm vẫn đạt khá, nhưng chủ yếu hưởng lợi từ phục hồi kinh tế nửa cuối năm ngoái. Trong đó, chủ yếu nhờ tăng thu đột biến từ lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, ô tô... Theo ông Tuấn, diễn biến thu ngân sách có dấu hiệu giảm dần từ cuối tháng 4 tới nay. Thu nội địa đến tháng 4 vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Nửa cuối năm 2021, ông Tuấn cũng dự báo thu ngân sách sẽ đối mặt nhiều khó khăn do dịch COVID-19, đặc biệt là tại 22 tỉnh thành đang giãn cách xã hội. Đây là những tỉnh, thành có nguồn thu chiếm tới 64% tổng thu ngân sách cả nước (TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu...).

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tới hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cả nước chỉ đạt hơn 36% kế hoạch. Đặc biệt, giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 7,5% kế hoạch. Các chỉ tiêu này đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian qua, các con số về kinh tế vĩ mô luôn “đẹp nhất”. ví như ngân sách nhà nước bội thu (thu lớn hơn chi) khoảng 101,5 nghìn tỷ đồng. Chia sẻ với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long cho biết, số liệu kinh tế vĩ mô vẫn được hưởng lợi nhờ 4 tháng đầu năm dịch bệnh chưa bùng phát. Tuy nhiên, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, DN, người dân đều khó khăn, sản xuất đình trệ, có biểu hiện đứt gãy chuỗi cung ứng. Việc giãn cách xã hội, dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh (trừ DN đáp ứng “3 tại chỗ”) khiến DN đối mặt nguy cơ mất đơn hàng trước mắt và cả về sau.

“Các số liệu kinh tế vĩ mô 7 tháng đầu năm 2021 cho thấy thách thức lớn với nền kinh tế. Khó khăn không chỉ với DN, từng người dân đã chịu tác động lớn, họ bị thiếu ăn, nợ tiền. Nhiều người lao động phải chất cả gia tài lên xe máy đổ về quê. Thực tế đó rất khó để đạt được mục tiêu kép cả về kinh tế và chống dịch. Có lẽ đã tới lúc phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên số 1 cho phù hợp, hy sinh một số mục tiêu khác”, ông Long nói.

nTrong 7 tháng qua, cả nước có 75.800 DN đăng ký thành lập mới (tăng 0,8% về số lượng và tăng 13,8% về vốn đăng ký). Cũng thời gian này, có gần 79.700 DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể, phá sản (tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước).

nTrên thị trường lao động, có gần 12,8 triệu người mất việc, giảm giờ làm, thu nhập, trở thành đối tượng dễ bị tổn thương.

Ông Long đề xuất nên lựa chọn ưu tiên số 1 là chống dịch và lo an sinh, cuộc sống cho người dân, không để ai bị đói, thiếu chỗ ở phải rời phố về quê như vừa qua. Theo chuyên gia này, thặng dư ngân sách là điều kiện tốt cho việc chi để hỗ trợ trực tiếp tới từng người dân. Hỗ trợ tốt nhất hiện nay là lương thực, thực phẩm và chi phí nơi ở, điện nước. “Nước ta là nước nông nghiệp, chế biến và xuất khẩu khó, Nhà nước có thể dùng ngân sách thu mua hàng rồi cấp phát cho người dân trong các khu vực giãn cách, phong tỏa. Việc hỗ trợ cũng cần bỏ qua các điều kiện về cư trú, nghề nghiệp”, ông Long kiến nghị.

Điều chỉnh mục tiêu kép

Từ các số liệu kinh tế vĩ mô Tổng cục Thống kê đưa ra, TS Cấn Văn Lực (Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV) cho rằng, việc điều chỉnh “mục tiêu kép” vào lúc này là phù hợp. Mục tiêu ưu tiên giai đoạn này là chống dịch, tiêm vắc-xin COVID-19, còn địa phương, khu vực nào có khả năng mới tiếp tục tập trung phát triển kinh tế. Khi đã xác định mục tiêu số 1 là chống dịch thì mô hình sản xuất “3 tại chỗ” (làm, ăn, ngủ tại chỗ) cũng phải điều chỉnh. Mô hình phù hợp hơn là “2 tại chỗ và 1 vùng xanh”, tức chỉ làm và ăn tại nhà máy, ngủ nghỉ sẽ ở nơi khác hoặc cho người lao động về nhà. Cùng với đó là sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để DN xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên cho lao động.

Ngân sách cần chi nhiều hơn để hỗ trợ người dân, người lao động (đặc biệt là lao động tự do) tại các địa phương giãn cách xã hội.

P.V

MỚI - NÓNG