Sáng 31/12, tại nhiều chợ truyền thống, siêu thị ở TPHCM, những mặt hàng lương thực thực phẩm về chợ rất nhiều phục vụ nhu cầu mua sắm Tết 2024 của người dân. Trong đó, rau củ, thủy hải sản… có sức mua tăng vọt so với những ngày trước đó. |
Tại nhiều siêu thị, khu vực bày bán thủy hải sản thu hút khá đông khách mua từ khi mới mở cửa. Nhiều loại thủy hải sản có giá giảm từ 10-20% như mực lá biển (4-6 con/kg có giá 350.000 đồng, nay giảm còn 290.000 đồng/kg; cá chim trắng giá 250.000 đồng/kg, giảm còn 220.000 đồng/kg; ốc hương 550.000 đồng giảm còn 425.000 đồng/kg… |
“Mặt hàng thủy hải sản tươi sống rất dồi dào, giá cả ổn định và còn giảm giá đến hết ngày 1/1/2024. Hai ngày cuối tuần, lượng khách đến mua sắm đã tăng hơn 50% so với tuần trước” - một nhân viên siêu thị trên đường Tên Lửa (quận Bình Tân) cho biết. |
Thịt heo (lợn), thịt gà cũng giảm giá sâu và không hạn chế số lượng. Cụ thể, sườn non heo giảm còn 189.000 đồng/kg (giảm 50.000 đồng/kg), cốt lết heo 95.000 đồng/kg (giảm 34.000 đồng/kg), má đùi gà 37.000 đồng/kg (giảm 9.000 đồng/kg)… |
Tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền khẩn trương nhập chợ khối lượng lớn thủy hải sản để phục vụ nhu cầu của người dân trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024. |
“Dịp Tết Dương lịch 2024, người dân được nghỉ 3 ngày nên có nhiều người về quê. Năm nay kinh tế khó khăn, người dân mua sắm dè sẻn hơn nên chúng tôi chọn những mặt hàng vừa túi tiền nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để phục vụ người tiêu dùng. Hôm nay khách mua đông hơn vài ngày trước vì nhiều người tổ chức tiệc đón giao thừa. Dù sức mua tăng nhưng chúng tôi cam kết giá không tăng” – bà Bình, tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh) chia sẻ. |
Tôm cá tươi ngon từ các địa phương tập kết về chợ ở TPHCM. |
Khảo sát tại nhiều chợ truyền thống, phóng viên ghi nhận các mặt hàng hầu như không tăng giá như dưa leo, bắp cải từ 10.000-15.000 đồng/kg; xà lách Đà Lạt, cà rốt, khoai tây khoảng 30.000 đồng/kg… |
Theo Sở Công Thương TPHCM, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân thành phố, Sở đã phối hợp với các quận huyện, doanh nghiệp cam kết giữ giá cả hàng hóa. Trong đó, số lượng hàng bình ổn chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường, tập trung vào nhiều mặt hàng thiết yếu như: gạo, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, rau củ quả, thịt gia súc - gia cầm, thủy hải sản... |
Chúng tôi vẫn đang tập trung theo dõi số lượng hàng hóa ra vào chợ, tình hình giá cả, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân ở các chợ, tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo các hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…” - ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết. |