Lo mất Tết
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh N.V.N (ngụ ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) cho biết, gia đình anh có nguy cơ thiệt hại hàng chục triệu đồng sau khi mỗi ngày hàng chục kg cá tra chết nổi trắng ao.
Gia đình anh nuôi cá đã nhiều năm nhưng chưa khi nào xảy ra tình trạng này. Khu vực nuôi cá của anh N. nằm bên cạnh sông Rạch Chiếu, đối diện Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước.
Mỗi ngày, hàng trăm kg cá của gia đình anh N. nổi chết khắp ao (Ảnh. Hạ Di). |
"Giờ không biết ai chịu trách nhiệm với số cá chết của tôi. Tôi cũng không biết kêu ai. Nước sông ở đây ô nhiễm nhiều năm nay rồi, để nuôi cá, tôi phải bơm nước lên hồ dự phòng, xử lý xong rồi mới đưa vào hồ nuôi. Tuy vậy, mấy ngày gần đây có thể nguồn nước từ ngoài sông bị ô nhiễm nặng hơn nên hồ dự phòng cũng không thể xử lý hết nên cá mới chết", anh V. thở dài.
Hiện, anh V. đang đầu tư nuôi 2 mẫu cá với khoảng 40 tấn cá. Do trước nay chỉ quen với nghề nuôi cá nên không biết nếu số cá kia chết hết, anh V. sẽ phải làm gì để mưu sinh. Nếu cá tiếp tục chết, khả năng năm nay a V. "mất" Tết.
"Đối với những doanh nghiệp lớn thì họ còn có tiền để đầu tư ao lắng, xử lý nước, tôi không có tiền nên đành phải làm thủ công, hên xui vậy. Tôi lấy nước từ sông vào, may mắn nước sạch thì cá sẽ sống, nếu nước độc thì đành chịu", ông V. nói thêm.
Hầu hết các loại cá chết đều trên 1kg/con, gây thiệt hại nặng cho người dân (Ảnh: Hạ Di). |
Không chỉ thiệt hại kinh tế mỗi ngày, anh V. còn cho biết khi nguồn nước bị ô nhiễm nặng, nếu cá không chết thì cũng sẽ chậm lớn. Bình thường, nếu tôm thẻ nuôi 2-3 tháng có thể thu hoạch thì nay phải hơn 5 tháng, tuy vậy, trọng lượng cũng không đạt được như dự kiến. Nếu nuôi cá khoảng 5 tháng có thể thu hoạch thì nay thời gian phải gấp đôi.
"Không biết tôi lấy tiền đâu để xử lý nước. Chỉ mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm hiểu để giải quyết vụ việc", chủ hồ cá mong mỏi.
Cách nhà anh N. khoảng vài chục mét, bà N.H.H nói: "Cá bữa giờ chết biết bao nhiêu mà nói, vớt lên rồi bỏ chứ đâu có bán được. Chết vậy có thể là do ô nhiễm nước, vì nước vào thì cá mới chết. Mỗi ngày vớt mấy thùng, có con nặng cả ký".
Theo bà H., nguyên nhân cá chết phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc, tuy vậy, phía đối diện hồ cá gia đình bà là nhà máy xử lý hóa chất, bùn. Cứ chiều là mùi hôi thối bốc sang khiến nhà bà muốn ngạt thở.
"Trước khi nhà máy về đây thì nước sông sạch, người dân ở đây toàn dùng nước sông nhưng từ khi nhà máy về thì không ai dám xài vì sợ, nước đen thui", bà H. nói thêm.
Theo người dân địa phương, một công ty ở Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước xả nước thải ra môi trường (Ảnh: NDCC). |
Ông N.B.T (cùng ngụ ấp 1 xã Phong Phú) nói gia đình ông cũng bị chết mấy trăm ký cá. Hiện nay nguồn nước từ sông vào khiến cá không thể sống nổi.
"Công ty ở bên kia sông xả ra nước đen thui, gây ô nhiễm. Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi, công ty đó về đây khoảng 20 năm là đời sống người dân thay đổi hẳn. Trước đó nhảy xuống sông là bắt được cá ngay, giờ con còng còn không có, cá tôm cũng không thấy đâu", ông T. than thở.
Hôi thối cả khu vực
Ghi nhận tại khu vực người dân phản ánh có công ty xả nước thải ra sông ở ấp 3 xã Đa Phước (huyện Bình Chánh), phóng viên ghi nhận mùi hôi thối nồng nặc, đứng cách xa hàng trăm mét vẫn không thể thở nổi.
Anh T., một công nhân làm việc gần khu vực nói trên cho hay: "Bên kia là công ty xử lý bùn và phân, mỗi lần họ trộn phân là mùi thối nồng nặc. Tôi nghe nói họ trộn bùn với rác rồi mang ra bán".
Không những vậy, nhiều buổi chiều còn có bụi nhiều ở cả một khu vực, đặc biệt vào mùa nắng.
"Ở đây chúng tôi có bơm nước lên rồi lọc, khử theo tiêu chuẩn để sử dụng. Nhưng tôi ớn lắm, không dám dùng nước ấy để uống, nấu ăn mà phải mua bình nước lọc để dùng", ông T. cho hay.
Cận cảnh khu người dân phản ánh có công ty xả thải, mùi hôi thối bốc lên nồng nặng (Ảnh: Hạ Di). |
Một số người dân tại đây cũng cho biết, họ phát hiện một công ty xử lý bùn trên địa bàn xả nước thải ra sông vào mấy ngày trước. Sự việc ngay sau đó đã được báo với chính quyền địa phương.
Xác nhận vấn đề trên, lãnh đạo UBND xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM cho biết đã cử cán bộ chuyên môn vào cuộc sau phản ánh của người dân về việc một công ty nằm trong Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước xả nước thải ra môi trường. Hiện, vụ việc đang được xác minh và tìm hiểu nguyên nhân.
Liên hệ với lãnh đạo UBND xã Phong Phú, vị này cho biết chưa phát hiện vụ việc cá chết hàng loạt tại các hồ nuôi cá trên địa bàn. Tuy vậy, sau khi báo chí phản ánh, xã sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc tìm hiểu để hỗ trợ người dân.
Theo ghi nhận, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước có diện tích 614 ha, bao gồm các công ty: Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam - VWS, nhà máy xử lý chất thải hầm cầu của Công ty TNHH xử lý chất thải Hòa Bình (1,8 ha) và trạm tiếp nhận, xử lý và chế biến bùn của Công ty Sài Gòn Xanh (47 ha), Công ty xử lý chất thải Mộc An Châu và nghĩa trang rộng 67ha.
Link gốc: https://dantri.com.vn/an-sinh/moi-ngay-hang-tram-kg-ca-noi-chet-trang-ao-nong-dan-lo-mat-tet-20231207233508468.htm