Theo Washington Post, nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy, không nên đặt nhiều hy vọng
Vào mùa thu 2014, NASA công bố những hình ảnh những vệt đen do tàu trinh thám Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) chụp được trên bề mặt sao Hỏa với giả định có sự tồn tại của nước lỏng ở hành tinh đỏ này.
Những vệt giống vệt cát ẩm ướt được gọi là Recurring Slope Lineae (RSL). Theo NASA, chúng xuất hiện theo mùa và chứa perchlorate, loại muối cô đọng lại sau khi nước bốc hơi.
Tuy không cung cấp bằng chứng trực tiếp về sự tồn tại cả nước, các nhà khoa học của NASA đặt nhiều niềm tin RSL chứa sự sống hoặc thứ gì đó có thể tồn tại.
Nhưng nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters lại cho thấy, không nên hy vọng quá nhiều vào giả định có sự sống trên RSL.
Hai nhà khoa học vũ trụ Christopher Edwards, giáo sư tại Đại học Northern Arizona, và Sylvain Piqueux, làm việc tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA, đã sử dụng tính năng hình ảnh nhiệt (THEMIS) trên tàu thăm dò Mars Odyssey.
“Chúng tôi đã sử dụng một kỹ thuật rất nhạy cảm để định lượng lượng nước kết hợp với tính năng đo nhiệt độ. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt độ ẩm giữa RSL và vùng đất xung quanh, thiết lập giới hạn mức nước không quá 3%”, Edwards cho biết
“Đó vẫn là cách giải thích lạc quan, có thể nói tất cả RSL đều không có nước. Tôi chưa thể giải thích chuyện gì gây ra các vết đậm màu vào thời điểm này. Nhưng tôi không nghĩ nguyên nhân do nước chảy”, Edwards nói thêm.
Các nhà khoa học cũng khẳng định, nghiên cứu mới này không mâu thuẫn với nghiên cứu công bố hồi năm ngoái xác định có muối trên bề mặt RSL.
“Những phát hiện của chúng tôi phù hợp với sự hiện diện của muối ngậm nước (tinh thể muối có chứa một số phân tử nước nhất định). Nó có thể được hình thành bằng cách hút hơi nước từ không khí, không cần nguồn nước ngầm”, theo Edwards.
Hiện, các nhà khoa học ở NASA vẫn tiếp tục nghiên cứu RSL để đưa ra lời giải thích chuẩn xác nhất.