Thực hiện kết luận thanh tra: Sẽ có cơ chế giám sát

TS Ngô Đại Tuấn
TS Ngô Đại Tuấn
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Ngô Đại Tuấn- Phó Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ cho biết cơ quan này sẽ đề xuất Chính phủ cho phép thành lập đơn vị chuyên trách về giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận sau thanh tra.

Theo ông Tuấn, trước nay, cơ sở pháp lý để hướng dẫn hoạt động này còn hạn chế. Thời gian qua, một số cơ quan thanh tra nhà nước đã tự xây dựng cho mình quy trình theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra song chưa mang tính hệ thống và bài bản, thậm chí hạn chế cả về mô hình tổ chức.

Trong mô hình về cơ quan thanh tra, chưa có một đơn vị nào chuyên trách chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra xử lý việc thực hiện kết luận thanh tra cũng như quyết định xử lý sau thanh tra.

Căn cứ theo Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định 86/CP ngày 22-9-2011, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, hiện đang tiếp thu ý kiến đóng góp để chỉnh sửa.

Ông có thể nói rõ hơn về đối tượng áp dụng trong thông tư này?

Thông tư này được áp dụng đối với cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra.

Có thể hiểu đây là cơ chế giám sát thực hiện kết luận sau thanh tra?

Trong phạm vi nào đó, hiểu như vậy cũng không sai, bởi văn bản này hướng dẫn về trình tự, hình thức, nội dung để tiến hành hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra.

Sẽ tập trung cao vào quy trình nghiệp vụ để làm sao cơ quan tiến hành thanh tra có thể kiểm tra, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận sau thanh tra một cách có hiệu quả nhất.

Như ông nói sẽ có cơ quan chuyên trách việc này thưa ông?

Đúng vậy, Thanh tra Chính phủ đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 65/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, trong đó có đề xuất phương án lập một đơn vị chuyên trách về giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận sau thanh tra.

Đây sẽ là đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra cũng như quyết định xử lý sau thanh tra của Thanh tra Chính phủ trên toàn quốc theo thẩm quyền.

Về nguyên tắc, tất cả các kết luận thanh tra của thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành các cấp phải được cập nhật thông tin về một đầu mối.

Tuy nhiên, điều này hiện nay chưa làm được nên thực tế chúng ta chưa bao quát, theo dõi được việc thực hiện kết luận thanh tra, dù đó là kết luận thanh tra của cấp nào ? Tới đây phải khắc phục việc này.

Khi phát hiện dấu hiệu tội phạm, kết luận thanh tra thường ghi “kiến nghị chuyển cơ quan điều tra”. Nay trong thông tư này cần phải quy định rõ thời hạn bao lâu sẽ phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để tránh trường hợp cơ quan chủ quản không thực hiện việc kiến nghị của thanh tra ?

Trong dự thảo Thông tư có quy định: căn cứ kết quả kiểm tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra cùng cấp để xem xét khởi tố vụ án nếu quá trình kiểm tra làm rõ được các dấu hiệu phạm tội của các cá nhân có trách nhiệm hoặc có liên quan đến thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra.

Xin cảm ơn ông.

heo Thanh tra Chính phủ, tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý sau thanh tra còn chưa cao. Có năm tỷ lệ thu hồi về tài chính, tài sản vi phạm trong toàn ngành bình quân đạt khoảng 30% so với kiến nghị thu hồi.

Đối với việc thực hiện các kiến nghị xử lý hành chính và hình sự, cũng như về chủ trương, chính sách, hiện tại việc tổng kết vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ.

Thực trạng này gây cản trở không nhỏ đến hiệu quả đóng góp của các cơ quan thanh tra trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung.

Với quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, Thanh tra Chính phủ nói riêng và các cơ quan thanh tra nhà nước nói chung còn gặp khó khăn trong việc theo dõi và đôn đốc xử lý sau thanh tra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG