Thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn chịu tác động nặng nề của COVID-19, cách mạng 4.0 bùng nổ trên thế giới, chuyển đổi số nổi lên như một giải pháp thiết yếu giúp các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất hướng tới cải tiến thông minh, cải thiện nhân lực và công nghệ.

Nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh" do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức ngày 17/11, các chuyên gia nhận định, xu thế toàn cầu hóa cũng như việc tham gia của Việt Nam vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tham gia vào các chuỗi giá trị ngành nghề trong lĩnh vực sản xuất. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có những cách tiếp cận mới để thúc đẩy sản xuất, để nâng cao khả năng cạnh tranh, và sự kết nối trong nền kinh tế của Việt Nam.

Là một thành phần quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng và nền kinh tế nói chung, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò như nguồn đầu vào cho hoạt động sản xuất và thúc đẩy lưu thông hàng hoá trong nước. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam và tác động tiêu cực đến hoạt động của nhiều ngành và doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do sự đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nguồn cung nguyên liệu gián đoạn hoặc khan hiếm; thị trường đầu ra giảm mạnh, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu.

Thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh ảnh 1

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh"

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết - phát triển công nghiệp hỗ trợ không nằm ngoài bối cảnh và xu thế chung của dịch bệnh và chuyển đổi số. Trước những biến động khó lường và những tác động tích cực, tiêu cực đan xen của nền kinh tế thế giới tới nền kinh tế Việt Nam, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thuận lợi như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới.

Bên cạnh đó, để bắt kịp với xu hướng số hoá toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp kỳ vọng có thể là cú hích lớn để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam.

“Thông qua những chia sẻ từ các chuyên gia trong lĩnh vực Chuyển đổi số, các doanh nghiệp đã và đang ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng thông minh, tạo môi trường tìm kiếm đối tác và cơ hội mới. Đồng thời cập nhật thông tin mới về các chính sách hỗ trợ cũng như thông tin cung - cầu ngành công nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chuyển đổi số là bí quyết cho doanh nghiệp tăng trưởng

Tại hội thảo, chuyên gia nhận định, hiện nay, mức độ sẵn sàng và tiếp cận của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ đối với sản xuất thông minh nhìn chung còn chưa cao. Quá trình chuyển đổi này là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, yếu cả về nguồn lực tài chính và nhân lực.

Khi áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có giải pháp về tài chính, nguồn nhân lực, sự trợ giúp của nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số tiên phong và đáng tin cậy. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ về thể chế và triển khai từ phía cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh đạt kết quả cao.

Ông Darryl James Dong - Chuyên gia Tài chính trưởng của IFC tại Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là vấn đề thiết yếu giúp một doanh nghiệp thành công trong thời kỳ công nghệ số hiện nay. Dịch COVID là một hồi chuông cảnh báo khi một khảo sát của McKinsey cho thấy những công ty sớm thực hiện chiến lược chuyển đổi số đã ứng phó với điều kiện hoạt động mới trong đại dịch tốt hơn hẳn so với các công ty khác. Chuyển đổi số giúp cải thiện sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn, nâng cao tính bền vững và khả năng chống chịu cho doanh nghiệp trước các “cú sốc”.

Thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh ảnh 2

Dây chuyền tự động hoá của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Triển lãm công nghiệp hỗ trợ lần thứ 3 năm 2022. Ảnh Quỳnh Nga

Là một trong những doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi số trong lĩnh vực nhà xưởng thông minh, ông Vũ Văn Duy - Phó Giám đốc sản xuất công ty Chí Cường (TCI) chia sẻ, công ty đã bắt đầu chuyển đổi số từ năm 2018. Dù đã đi học hỏi rất nhiều nhưng rất ít doanh nghiệp có kinh nghiệm, trừ các công ty có nguồn vốn FDI. Đặc biệt, mô hình sản xuất, dự án việc xây dựng còn mới, các doanh nghiệp cũng khác nhau nên khi TCI hỗ trợ đối tác triển khai gặp nhiều khó khăn.

"Biến động thị trường với dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp thay đổi dòng sản phẩm, thậm chí chuyển đổi sang hướng đi khác. TCI đã "đập đi xây lại" vào thời điểm dịch bệnh, trong nguy có cơ để triển khai tốt hơn với mục tiêu đặt chân sâu hơn vào vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI”, ông Vũ Văn Duy cho biết.

MỚI - NÓNG