Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 ngày 5/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, trong cuộc họp Chính phủ, từ định hướng của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đã đồng lòng, quyết tâm xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chuyển từ quản lý sang phục vụ.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các định hướng lớn, quan điểm chỉ đạo lớn của Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, mục tiêu đề ra là phải xây dựng một chính phủ trong sạch, liêm chính, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Một chính phủ làm gương cho xã hội với phương châm nói đi đôi với làm.
Sớm kết luận nguyên nhân hải sản chết bất thường
Về hiện tượng hải sản chết tại một số tỉnh ven biển miền Trung, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng sớm có kết luận khách quan, khoa học nguyên nhân hải sản chết bất thường và công bố công khai. Đồng thời rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải; khôi phục, ổn định sản xuất; hỗ trợ gạo, tiền, ưu đãi tín dụng cho người dân bị ảnh hưởng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và hành vi lợi dụng, kích động gây rối an ninh trật tự.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương đã tổ chức hai đoàn vào kiểm tra Công ty Formosa. Qua kiểm tra cho thấy, từ năm 2015 đến nay, công ty Formosa đã nhập khẩu gần 384 tấn hóa chất gồm 103 loại. Các loại đều được đăng ký và nhập khẩu để sử dụng. Riêng năm 2016, Formosa được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn với 43 loại hóa chất theo quy định với mục đích sử dụng để làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất khử khuẩn, làm mát, xử lý nước, ổn định độ pH... “Từ đầu năm 2016, Formosa đã sử dụng 51 tấn hóa chất. Đây là những hóa chất đã được phép nhập khẩu, đăng ký theo quy định của pháp luật”, ông Hải nói.
Về việc kiểm soát sử dụng số hóa chất độc hại của Formosa, Thứ trưởng Hải cho rằng, điều quan trọng là Formosa có tuân thủ các quy trình xử lý hóa chất hay không. “Việc này Bộ Tài nguyên và Môi trường đang kiểm tra và sẽ có báo cáo cụ thể”, ông Hải nói.
Đề cập vụ việc xảy ra tại quán cà phê “Xin Chào”, ông Mai Tiến Dũng cho biết, việc kinh doanh chưa có giấy phép, hoặc không có giấy phép sẽ xem xét ở các góc độ khác và không hình sự hóa những việc như thế.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan. Đồng thời triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.
“Trên cơ sở ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ về nguyên nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan phát ngôn về vấn đề này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, đây là sự việc xảy ra đầu tiên ở nước ta nên chưa có kinh nghiệm. Trong khi đó, thông tin báo cáo từ các địa phương đến Chính phủ còn chậm, còn thụ động.
Là người trực tiếp thị sát hiện tượng cá chết, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay, việc khoanh vùng hải sản an toàn ngoài 20 hải lý là căn cứ vào thực tế phát hiện cá chết xa nhất ở 15 hải lý, và phải mở rộng thêm 5 hải lý để đảm bảo an toàn. Đồng thời xác định cá đánh bắt xa bờ như cá ngừ đại dương hoàn toàn an toàn. “Đề nghị các cơ quan báo chí phải đưa thông tin hai chiều. Chúng ta có thể tuyên truyền đối với người dân là cá đánh bắt xa bờ an toàn. Nếu chúng ta tuyên truyền không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến đánh bắt xa bờ. Có ngư dân đánh bắt cá về khóc rằng, đánh cá xa bờ 150 hải lý nhưng không ai ăn, phải mang cá đổ ra đường”, ông Tuấn nói.
Dần xóa bỏ xin - cho
Thủ tướng cũng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp trước Thủ tướng Chính phủ về quán triệt và thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhất là trong kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập; công khai, minh bạch trong thực thi chính sách, thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường kỷ cương phép nước, chấn chỉnh tình trạng thực thi pháp luật, kỷ cương phép nước không nghiêm, đặc biệt trong khu vực hành chính công.
Cũng theo ông Dũng, tại cuộc họp, Thủ tướng cũng đặt vấn đề là phải chuyển mạnh từ phương thức quản lý hành chính sang Chính phủ phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm hiệu quả thước đo. Bên cạnh đó, Chính phủ phải phân định rõ chức năng quản lý với thị trường. Những nội dung nào, việc nào mà thị trường làm tốt thì phải dành cho thị trường làm.
Ngoài ra, theo ông Dũng, Chính phủ hết sức quan tâm việc phân cấp theo hướng, những việc mà bộ ngành, địa phương làm tốt, thì không được đùn đẩy lên Chính phủ. “Tất cả các định hướng này đều được các thành viên Chính phủ nhất trí cao”, ông Dũng nói.
Về tình hình kinh tế, xã hội, ông Dũng cho biết, tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù có rất nhiều khó khăn thách thức nhưng không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2016, trong đó phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,7%, kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Trả lời về dự án làm thủy điện trên sông Hồng, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) khẳng định, dự án này mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, muốn triển khai phải trải qua hai giai đoạn nữa. Song theo ông Tự, dự án chắc ảnh hưởng đến vấn đề môi trường, còn ảnh hưởng thế nào phải có đánh giá tác động ở giai đoạn sau, tức giai đoạn lập dự án khả thi. Bộ KH&ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dự án này kéo từ Lào Cai, ảnh hưởng nhiều đến đồng bằng châu thổ sông Hồng, đặc biệt phải nghiên cứu rất kỹ đến vấn đề thủy văn, thủy lợi, xói lở hai bên dòng sông...