Chiều 13/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021 để thảo luận về dự thảo Đề án Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19; dự thảo Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Tại cuộc họp, Thủ tướng lưu ý, Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải có sự liên thông và gắn kết chặt chẽ.
Về dự thảo Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu đặt ra là thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải đảm bảo nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý tính toán kỹ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị phân tích, làm rõ nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó phải sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, khoa học giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô, phạm vi, mức độ, lộ trình và thời điểm phù hợp, gắn tăng cường huy động các nguồn lực xã hội.
Trên cơ sở đó, nguồn vốn nhà nước đóng vai trò dẫn dắt và kích hoạt các nguồn vốn khác, phục vụ hiệu quả cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đối với dự thảo Đề án Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và lấy cấp cơ sở là nền tảng trong phòng, chống dịch. Tập trung hoàn thiện biện pháp chống dịch, chú trọng nâng cao năng lực điều trị; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực y tế; nghiên cứu, thành lập Quỹ phòng, chống dịch; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị trong nước…
Thủ tướng yêu cầu, Đề án cần đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch gần 2 năm qua, đưa ra dự báo tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, khu vực và trong nước để xây dựng các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp, trong đó phải tính toán rất cụ thể về nguồn lực, nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể mà các chủ thể phải triển khai trong từng kịch bản.