Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Rủi ro lạm phát năm 2022 là rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (ảnh Nhật Minh)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (ảnh Nhật Minh)
TPO - Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn.

Tham gia giải trình trong phiên chất vấn tại Quốc hội, sáng 12/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, chính sách tiền tệ phải thực hiện hai nhiệm vụ chính, là điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, vĩ mô và đảm bảo an toàn, khả năng chi trả của hệ thống.

Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, theo bà Hồng, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn. “Việc đảm bảo mục tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn", bà Hồng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng bày tỏ sự thận trọng với khả năng bảo đảm an toàn của hệ thống tín dụng. Theo bà Hồng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực chứ không phải từ ngân sách. Khi nợ xấu gia tăng các tổ chức cũng phải dùng nguồn lực để xử lý.

Dẫn bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008- 2009, bà Hồng cho rằng, nếu tính toán không cẩn thận, rủi ro lạm phát có thể quay trở lại. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo mức độ an toàn của từng tổ chức tín dụng và hệ thống. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, trên cơ sở ổn định vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Rủi ro lạm phát năm 2022 là rất lớn ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (ảnh Nhật Minh)

Bày tỏ ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế, song Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, các gói này kích cầu phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách, giữ được bội chi ngân sách. “Tăng bội chi ngân sách 2022, 2023 nhưng giảm các năm tiếp theo và làm nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững", ông Phớc nói.

Cụ thể, theo ông Phớc, nếu bỏ ra mỗi năm 20.000 tỷ, hai năm 2022- 2023 là 40.000 tỷ, thì với lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 4% thì huy động được khoảng 1 triệu tỷ bỏ vào nền kinh tế. Khoản này không làm tăng bội chi ngân sách, cũng không làm tăng nợ công vì nguồn này được lấy trong nguồn đầu tư chưa phân bổ 2021- 2025.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng băn khoăn khi có tiền rồi, nền kinh tế có hấp thụ được không và vào lĩnh vực nào. Theo ông, tiền phải đổ vào các dự án đầu tư công để dẫn dắt đầu tư, tạo nên đột phá lớn để tăng trưởng. "Phải lấy dự án trong điều kiện đặc biệt thì mới tiêu được tiền ở các gói kích cầu", Bộ trưởng Tài chính nói.

Về nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp, Bộ trưởng Tài chính cho rằng có nhiều nguyên nhân, "nhưng cũng có nguyên nhân từ thể chế". Hiện Nghị định 59 quy định, các công trình loại A thì các bộ ngành chuyên ngành phê duyệt, nên các tỉnh phải đưa hồ sơ lên Bộ ngành để phê duyệt thiết kế cơ sở.

“Việc này cũng chậm nên khó khăn. Cạnh đó, giải phóng mặt bằng, lập dự án để xác định nguồn vốn cũng khó khăn, trong khi phân bổ vốn thì chậm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

MỚI - NÓNG