Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy mạnh tự chủ, sớm đưa Trường ĐH Y Hà Nội lên một tầm cao mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 16/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ kỷ niệm 120 năm thành lập Trường Đại học Y Hà Nội (1902-2022) và 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (1982-2022).

Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS Tạ thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội chia sẻ lịch sử hình thành và quá trình phát triển của trường trong thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy mạnh tự chủ, sớm đưa Trường ĐH Y Hà Nội lên một tầm cao mới ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Trường ĐH Y Hà Nội

Trường Đại học Y Hà Nội được thành lập năm 1902 với tên gọi Trường Y Đông Dương do nhà bác học Yersin làm Hiệu trưởng. Qua 120 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã có nhiều đóng góp to lớn vào những thành tựu vẻ vang của ngành y vì mục tiêu cao cả là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trường không ngừng phát triển về nhiều mặt, luôn giữ vững và phát huy tốt truyền thống là nơi đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ y tế hàng đầu Việt Nam, hướng tới tầm khu vực và quốc tế.

Theo GS Tạ Thành Văn, sau ngày 2/9/1945, Trường ĐH Hà Nội có Hiệu trưởng đầu tiên người là Việt Nam - GS Hồ Đắc Di.

Với bề dày truyền thống, trường luôn khẳng định vị thế của một trường đại học lớn đi đầu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế với hàng chục nghìn tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ và cử nhân y khoa. Trong đó, có nhiều tên tuổi nổi tiếng trong nước và quốc tế như Giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Đặng Văn Ngữ; bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Đặng Thùy Trâm…

Một điều thật đáng tự hào, trong số 15 GS đầu tiên của đất nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thì có tới 12 GS là Ngành Y và đều là của Trường ĐH Y Hà Nội.

GS Tạ Thành Văn cho hay Trường ĐH Y Hà Nội đang bước sang một giai đoạn mới. Giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH.

Mô hình ĐH Y Hà Nội đã dần được hình thành, chiến lược trong đào tạo đã được thiết lập đó là giữ nguyên và dần giảm chỉ tiêu đào tạo bậc đại học, tập trung đào tạo chuyên khoa sau đại học, đào tạo đội ngũ tinh hoa cho nền Y học nước nhà. Tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ. Phấn đấu tỷ trọng nguồn thu về khoa học và công nghệ cũng như dịch vụ y tế sẽ chiếm phần lớn trong nguồn ngân sách của Nhà trường.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, có hai nghề luôn được xã hội coi trọng gọi bằng thầy, đó là thầy thuốc và thầy giáo. "Các thầy cô trường Trường ĐH Y Hà Nội là những người đặc biệt, mang trong mình sứ mệnh của cả hai người thầy, vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo. Tôi hiểu đây là niềm tự hào nhưng cũng đầy trách nhiệm, vất vả của các thầy cô và cán bộ ở ngôi trường danh giá và giàu truyền thống lịch sử này", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, qua 120 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã có nhiều đóng góp to lớn vào những thành tựu vẻ vang của ngành y tế, vì mục tiêu cao cả là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trường không ngừng phát triển về nhiều mặt, luôn giữ vững và phát huy tốt truyền thống là nơi đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ y tế hàng đầu Việt Nam, hướng tới tầm khu vực và quốc tế.

Trong những năm qua, trường đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học cũng như phương pháp quản trị đại học. Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa lý thuyết với thực hành; giữa giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đào tạo theo phương châm "sâu y lý - giỏi y thuật - giàu y đức".

Bên cạnh đó, thầy và trò nhà trường còn tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, hoạt động xã hội như khám, chữa bệnh miễn phí, cấp phát thuốc cho nhân dân, người nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, những người yếu thế trong xã hội. "Đặc biệt, nhiều thầy và trò nhà trường đã không quản khó khăn, gian khổ, tích cực tham gia lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19", Thủ tướng nêu rõ.

Theo Thủ tướng, hiện nay, nhu cầu về y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mới. Bối cảnh trên đặt ra cho ngành y tế nói chung và Trường ĐH Y Hà Nội nói riêng những yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang.

Thủ tướng cũng bày tỏ đồng tình với sứ mệnh, tầm nhìn "Không ngừng phấn đấu tạo ra các sản phẩm đào tạo, khoa học công nghệ và dịch vụ y tế tinh hoa, xứng đáng với truyền thống lịch sử hơn một thế kỷ phụng sự dân tộc; là đại học nghiên cứu ngang tầm với các trường đại học y khoa hàng đầu ở châu Á" và triết lý giáo dục "Đổi mới, sáng tạo và hội nhập" của Trường ĐH Y Hà Nội. Nhắn nhủ thầy và trò nhà trường phải thấm nhuần mục tiêu, quan điểm này, Thủ tướng yêu cầu trường tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đẩy mạnh tự chủ, sớm đưa Trường ĐH Y Hà Nội trở thành đại học khoa học sức khỏe có nhiều trường thành viên. Có chiến lược đào tạo nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức của đội ngũ giảng viên. Chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo y bác sĩ chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tổng kết mô hình viện-trường; tiếp tục mở rộng hệ thống bệnh viện thực hành phù hợp, phục vụ công tác khám chữa bệnh và tăng cường năng lực đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đẩy mạnh hợp tác công-tư và huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội. Có giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu "ĐH Y Hà Nội".

Thủ tướng bày tỏ mong muốn học viên, sinh viên cần nỗ lực học tập, chủ động nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng; chú trọng tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, không ngừng trau dồi bản thân để trở thành những chuyên gia có tâm - có tầm - có tài để xứng đáng với niềm tự hào được đào tạo tại Trường ĐH Y Hà Nội và biết ơn: "Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy - Nghĩ sao cho bõ những ngày ước mong"; đóng góp tích cực cho ngành y tế nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. "Các bạn chính là tương lai của ngành y nước nhà", Thủ tướng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG