Những ngọn nến trong đêm nội trú

0:00 / 0:00
0:00
Có lẽ chỉ những học sinh thế hệ đầu 8X trở về trước mới có nhiều kỷ niệm ở nội trú từ khi mới học lớp 4, lớp 5. Sau gần 30 năm quay lại mái trường xưa, nhiều cô cậu học trò ngày đó mới chợt hiểu, những phòng nội trú ngày đó dù thiếu thốn vật chất nhưng lại đầy ắp tình thầy trò.

Cuối tuần qua, 80 cựu học sinh niên khóa 1990 - 1996 của Trường Năng khiếu Ý Yên, Nam Định (nay là Trường THCS Lê Quý Đôn) đã tề tựu về thăm lại ngôi trường cũ và tri ân các thầy cô nhân dịp Hội khóa 26 năm ra trường. Buổi lễ này đáng lẽ được tổ chức đúng dịp 25 năm nhưng do dịch COVID-19 nên đã lùi lại muộn hơn so với kế hoạch.

Những ngọn nến trong đêm nội trú ảnh 1

Nhà giáo Ưu tú Hoàng Trung Hiếu, nguyên Hiệu trưởng nhà trường gặp lại các học trò với đôi mắt rưng rưng xúc động. Ngày xưa, thầy là người duy nhất “cắm trường” 6/7 ngày trong tuần để quán xuyến công việc và lũ học trò nghịch như quỷ sứ; sơ sểnh là chúng xảy ra chuyện như đã đến giờ đi ngủ nhưng vẫn muốn làm việc riêng nên chùm chăn đốt nến, lửa bén cả vào chăn; hay nhảy xuống ao trường hái rau muống , bắt cá, bắt tôm, không phải nấu ăn mà chỉ để có thêm trò tiêu khiển sau mỗi ngày lên lớp.

Những ngọn nến trong đêm nội trú ảnh 2

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân dịp này, các cựu học sinh đã trao tặng nhà trường 2 điều hòa và 20 suất học bổng cho 20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và thành tích học tập xuất sắc trị giá 36 triệu đồng.

Rất nhiều đứa học trò chỉ có gạo, muối vừng mang đi ở nội trú của trường, thấy thầy có vại cà muối mang bát lên xin để thêm gia vị cho bữa ăn.

Nhìn mặt, thầy không còn nhớ tên từng đứa học trò “rạch giời rơi xuống” nhưng nhắc lại, thầy “à, ừ” kể ra hàng loạt "cáo trạng" mà từng đứa để lại cho thầy “nhận dạng” .

Rồi cô Tâm, cô Toán, cô Hải, cô Liên… mỗi thầy cô đều đi vào ký ức của một thế hệ học trò đặc biệt. Niên khóa 90 – 96 có rất nhiều cô cậu học trò lên Trường Năng khiếu học từ lớp 4, lớp 5. Trong số này, có bạn nhà xa phải ở nội trú.

Ngày đó, giờ học của học sinh được chia thành ba ca: sáng, chiều là chính khóa trên lớp, ca tối là các thầy cô ngồi “canh” để lũ học trò làm bài tập về nhà. 22h sẽ kết thúc ca học đặc biệt này, cũng là lúc nhiều học trò không chịu nổi nỗi nhớ nhà nên khóc đòi về. Thầy cô lại lóc cóc lấy xe đạp chở hàng chục cây số đêm hôm về trao trả cho phụ huynh rồi mới yên tâm trở về nhà.

Trong ký ức của cựu học sinh lớp chuyên Toán Nguyễn Thanh Loan, những suất cơm trưa - tối 300 đồng và 2,5 lạng gạo khó có thể diễn tả hết thành lời. Những bữa ăn đó chỉ có 1 thực đơn duy nhất 2 miếng đậu phụ và 1 miếng thịt ba chỉ mỡ nhiều hơn nạc, mỏng như tờ giấy bản rang mặn hoặc 5 miếng đậu phụ cùng với 1 bát canh rau muống đại dương có gia giảm muối hạt. Cho đến giờ Loan vẫn nhớ mùi bát canh đó và ám ảnh món đậu phụ nhưng bù lại, theo Loan, đó là những tháng ngày đẹp nhất vì được học cùng, ở cùng bạn bè, thầy cô.

Những ngọn nến trong đêm nội trú ảnh 3

Vẫn luôn là các cô cậu học trò bên thầy cô

Nhà giáo Hoàng Trung Hiếu khẳng định các thầy cô ở trường luôn hết lòng vì học trò. Chính vì vậy, mỗi lần thầy đi công tác, hoàn toàn yên tâm vì công việc ở trường các thầy cô đều hoàn thành trách nhiệm.

Những đêm trực thay phiên quản học trò, những buổi học phụ đạo cho đội tuyển bất kể nắng mưa, giông gió. Công sức đó chưa bao giờ thầy cô đòi hỏi phải chi trả bằng kinh phí với bất kỳ học sinh nào.

Có bạn, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cô giáo chủ nhiệm đã trích một phần tiền lương để lo tiền ăn tiền học suốt bao năm. Nhưng từ khi ra trường, do cuộc sống mưu sinh cũng chưa một lần được gặp lại cô nói lời cảm ơn mà ngày xưa còn nợ.

Sau này, mô hình trường chuyên từ cấp THCS không còn, đời sống xã hội phát triển, những dãy phòng nội trú đã được thay thế bằng những phòng học khang trang. Nhưng mảnh đất ấy, nơi ấy, vẫn giữ lại hồn của rất nhiều thế hệ học trò những năm 1980 trở về trước.

MỚI - NÓNG