Trước thềm năm học mới: thiếu đủ thứ
Hôm qua, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Một trong những vấn đề lớn được đặt ra đối với ngành Giáo dục trong năm học mới là thiếu giáo viên, thiếu trường lớp. Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK), địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên môn tiếng Anh, đặc biệt tại các trường ở 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Địa phương đã thực hiện chính sách tuyển dụng, thu hút giáo viên nhưng gặp nhiều khó khăn về nguồn tuyển. Ví dụ như, có chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng/ người đối với giáo viên Tin học, tiếng Anh nhưng đến nay chưa tuyển được trường hợp nào.
Năm học qua Yên Bái đã phải xoay xở nhiều cách như, biệt phái giáo viên từ vùng thấp đến vùng cao; Sở GD&ĐT Nam Định kết nối, cho giáo viên địa phương dạy trực tuyến; phối hợp với ĐH Thái Nguyên đào tạo nhân lực theo hình thức cử tuyển, hiện đã có khoá sinh viên đầu tiên tốt nghiệp. “Trên thực tế tuyển dụng số người đăng ký chỉ đáp ứng 50% chỉ tiêu, người trúng tuyển 50% trong số đó là rất khó”, ông Duy nói.
Năm học 2023 - 2024 ngành Giáo dục tiếp tục đối mặt với bài toán thiếu giáo viên. Ảnh: Nghiêm Huê |
Ông Duy kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ giáo viên ở địa bàn vùng núi, vùng khó khăn để giữ chân nhà giáo yên tâm dạy học; giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học; tiếp tục giao biên chế đủ đáp ứng yêu cầu dạy học.
Trong khi đó, đại diện UBND TPHCM cho rằng, quy định về xây dựng trường lớp của Bộ GD&ĐT hiện nay có một số nội dung không phù hợp với địa phương có tốc độ gia tăng dân số nhanh, học sinh đông. Dẫn đến nhiều trường học cũ nếu áp tiêu chuẩn mới số lượng lớp học giảm nhiều, học sinh sẽ không chỗ học. TPHCM đề xuất Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy chuẩn, cách tính diện tích xây dựng trường học phù hợp với điều kiện của từng vùng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nêu thực trạng mỗi năm Hà Nội tăng trung bình từ 50.000 - 60.000 học sinh, đòi hỏi phải có 30 - 40 trường học mới đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên ở khu vực nội thành không còn quỹ đất nên khó khăn. “Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu diện tích xây dựng trường học áp dụng tiêu chí tính diện tích sử dụng tính trên đầu học sinh thay thế cho tiêu chí hiện hành diện tích đất/học sinh. Đối với các trường ở nội thành, quỹ đất eo hẹp, cho phép địa phương xây nâng tầng, xây thêm tầng hầm”, bà Hà đề xuất.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, cơ sở vật chất cho giáo dục của tỉnh còn thiếu thốn, tỷ lệ lớp học bán trú còn thấp; học sinh được học 2 buổi/ngày còn ít; trường lớp còn nhỏ lẻ, tạm bợ... Đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều nhưng không có nguồn tuyển; nhất là giáo viên các môn học chương trình mới.
Ông Luân kiến nghị bộ, ngành Trung ương xem xét tháo gỡ khó khăn quy định khung vị trí việc làm cho giáo dục mầm non ở vị trí phục vụ, bảo vệ, y tế. Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo ngành Sư phạm cũng gặp khó khăn cần tháo gỡ và có quy định đồng bộ. Trung ương cần có các chương trình kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt là nhà công vụ cho giáo viên để yên tâm, gắn bó dạy học và công tác.
Xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền
Đối với giáo dục đại học, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ tiến trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam thời gian qua đã gặp 5 thách thức rất lớn, hầu hết liên quan đến tài chính, gồm: nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; chính sách cho sinh viên vay còn rất hạn chế, kể cả đối tượng, quy trình thủ tục, định mức và thời hạn vay; một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thúc đẩy tự chủ đại học; mất cân đối trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo khi có ít sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ bao gồm cả bậc sau đại học.
“Cuối cùng, thách thức lớn nhất là thách thức về niềm tin của xã hội đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Có lẽ, chưa bao giờ người thầy lại có nhiều tâm tư như bây giờ”, ông Quân cho hay.
Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết biên chế của ngành Giáo dục năm 2021 là gần 1,4 triệu người, trong đó khối trung ương là gần 51 nghìn người, còn lại là địa phương. Năm học 2022 - 2023, Bộ Nội vụ giao bổ sung 27.850 biên chế.
Năm học 2023 - 2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GD&ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế trong thời gian tới.
Hiện nay, ở nhiều nơi diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau. Nguyên nhân, theo ông Cường, do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh/lớp, đặc biệt có nơi chỉ 5-10 học sinh/lớp.
Chia sẻ về giải pháp cho những thực trạng trên, ông Triệu Văn Cường cho rằng Bộ GD&ĐT cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế. Bộ GD&ĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền. Các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá. Địa phương cần phê duyệt đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính.
Với các giải pháp trên, đại diện Bộ Nội vụ mong muốn giảm khó khăn cho ngành Giáo dục bằng cách xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội bằng cách chuyển đổi mô hình trường học. Tuy nhiên, ngay tại thành phố lớn là Hà Nội, mô hình trường tự chủ tài chính đang tạo ra nhiều bất công trong tiếp cận dịch vụ giáo dục. Mô hình này hiện nay không được đưa vào Luật Giáo dục 2019.
Khắc phục khó khăn
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao một số kết quả mà ngành Giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua. Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Việc thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn một số bất cập; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp không dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường, lớp dẫn đến tình trạng quá tải của các trường, sĩ số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định, làm gia tăng áp lực trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh lớp 10.
Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học, giữa các địa bàn. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn…
Trước khó khăn của ngành, Thủ tướng mong muốn các địa phương dành những nguồn lực tiết kiệm được cho giáo dục.
Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa điện tử, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, thử nghiệm và sử dụng sách chữ nổi cho người khiếm thị.
Thủ tướng gợi mở một số vấn đề cần triển khai thực hiện trong năm học mới: Kiên quyết không để ma túy xâm nhập học đường, khắc phục tình trạng bạo lực học đường. Chương trình, sách giáo khoa cần tiếp tục đổi mới nhưng cần chuẩn mực và ổn định để phát triển.
*Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có khảo sát để đánh giá tác động đổi mới SGK, phương pháp giảng dạy. Cần đánh giá về đội ngũ, có chiến lược dài hơi trong đào tạo đội ngũ cho ngành Giáo dục, phải tăng cường đầu tư cho ngành sư phạm.
* Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an cho hay dù chỉ có gần 3% học sinh, sinh viên trong tổng số thanh niên phạm tội, nhưng con số này lại có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2021, tăng 30% so với năm 2020; năm 2022 tăng 28,4% so với năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2023 tăng khá cao so với 5 tháng cùng kỳ năm 2022.