Chiều 3/10, chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược, cùng nhau xây dựng các công trình tầm cỡ, công trình thế kỷ đánh dấu sự phát triển vươn mình của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. |
Về đường cao tốc, Thủ tướng cho biết, đến nay đã hoàn thành hơn 2.000 km, đang thi công 1.700 km và sẽ khởi công thêm 1.400 km trong thời gian tới. Chính phủ cũng đã trình cấp có thẩm quyền chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các dự án cảng biển lớn như cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng Cần Giờ (TPHCM) đang được thúc đẩy.
Vì thế, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, vượt qua giới hạn của chính mình và đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các đối tác nước ngoài, từ đó tiếp tục tham gia triển khai, xây dựng các dự án lớn khác của đất nước trong thời gian tới.
“Các doanh nghiệp tham gia dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia tiếp tục phát huy tinh thần "đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình", Thủ tướng nói và mong các doanh nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó có việc tích cực hưởng ứng phong trào 500 ngày đêm cao điểm thi đua xây dựng 3.000 km cao tốc.
Người đừng đầu Chính phủ khẳng định luôn đồng hành, lắng nghe, thấu hiểu với các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, trên tinh thần “cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng, cùng phát triển” để thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước, trong đó có sự phát triển của các doanh nghiệp.
Hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng. |
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hạ tầng chiến lược.
Các bộ, ngành, doanh nghiệp tập trung ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị theo hướng thông minh trong hoạt động của các doanh nghiệp và triển khai các dự án.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế liên quan giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, quy chuẩn, quy trình, đấu thầu, chỉ định thầu… trong triển khai dự án, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.