Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: Kyodo) |
Tỷ lệ ủng hộ dành cho Thủ tướng Kishida đã xuống đến mức thấp nhất kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 10/2021. Ông Kishida đang cố gắng khôi phục niềm tin của dư luận vào chính trị bằng cách lập ra ban cải cách chính trị mà ông đứng đầu.
Thủ tướng Kishida bày tỏ sẵn sàng thảo luận sâu về việc sửa đổi luật kiểm soát quỹ chính trị, khi đang có nhiều chỉ trích rằng kẽ hở của luật này dễ bị lợi dụng để lập quỹ đen phục vụ hoạt động vận động bầu cử, bao gồm việc mua phiếu bầu.
Chưa biết liệu Thủ tướng Kishida có thể thúc đẩy những cải cách đáng kể hay không.
Nếu có thêm nhiều người bị bắt liên quan đến vụ bê bối gây quỹ chính trị, sẽ có thêm nhiều tiếng nói kêu gọi Thủ tướng Kishida giải tán hạ viện, mở đường cho một cuộc bầu cử sớm.
Một thành viên của LDP cho biết: “Cho dù tình hình có phát triển như thế nào, thủ tướng cũng không thể lấy lại ủng hộ từ dư luận và không thể cải cách các vấn đề về quỹ chính trị”.
“Những gì ông ấy có thể làm là chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ bê bối này, và sự việc chắc chắn sẽ được xem xét kỹ lưỡng trong phiên họp quốc hội thường kỳ sắp tới vào cuối tháng này”, nghị sĩ nói với Japan Times.
Ngày 7/1, nghị sĩ Ikeda, thành viên của Hạ viện, bị bắt vì nghi ngờ đã nhận tổng cộng 48,26 triệu yen (333.000 USD) trong vòng 5 năm cho đến năm 2022, từ các quỹ đen.
Trong cuộc họp báo tuần trước, Thủ tướng Kishida cam kết sẽ thành lập hội đồng cải cách để triển khai biện pháp tăng tính minh bạch của các nhóm trong LDP và cải thiện khả năng quản lý của đảng cầm quyền.
Tuy nhiên, sau đó ông Kishida bị các đảng đối lập chỉ trích vì chọn cựu Thủ tướng Taro Aso, phó chủ tịch LDP, người lãnh đạo một phe phái quyền lực khác trong LDP, làm cố vấn cho hội đồng.
Ông Takashi Mikuriya, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Tokyo, cho rằng Thủ tướng Kishida đang rơi vào "hoàn cảnh khốn khổ" khi tỷ lệ tín nhiệm dành cho nội các của ông tiếp tục sụt giảm.