Nhìn lại chặng đường 30 năm thu hút FDI

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: FDI luôn song hành cùng đổi mới

Thủ tướng gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI ảnh: Quang Hiếu
TP - Sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nền kinh tế Việt Nam đã có được “cú hích” căn bản, đất nước giảm nghèo, vươn lên thành nước có thu nhập trung bình trong khu vực, tạo việc làm cho hàng vạn người. Tuy nhiên, khu vực kinh tế FDI vẫn bộc lộ không ít hạn chế. 

Nâng cao tầm vóc Việt Nam

Ngày 4/10, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ ngành và đại diện của hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước. Qua 3 thập kỷ, FDI đem lại nhiều điều đáng ngẫm. 

Đánh giá về kết quả 30 năm thu hút FDI, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, FDI đã trở thành thành viên tích cực trong đại gia đình kinh tế Việt Nam. Kết quả 30 năm thu hút đã chứng minh chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và khẳng định vai trò của FDI là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam. 

“FDI đã góp phần giúp Việt Nam vượt qua thách thức, từ một nước nghèo nỗ lực vươn lên thành nước có thu nhập trung bình. Khu vực FDI luôn song hành với sự nghiệp đổi mới, cụ thể hoá chủ trương mở cửa của Việt Nam và góp phần nâng cao tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thống kê của Bộ KH&ĐT, đến tháng 9/2018, cả nước có 26.500 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18-25% trong giai đoạn 1991 - 2017. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: FDI luôn song hành cùng đổi mới ảnh 1 Samsung Việt Nam – một trong những dự án FDI có số vốn lớn nhất tại Việt Nam 

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, FDI đã góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập; bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời khơi dậy nguồn lực trong nước để cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế, đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng và tạo nền tảng cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Đặc biệt, khu vực FDI tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Năm 2017 có tới 3,6 triệu lao động trong lĩnh vực FDI. Lĩnh vực này cũng tạo việc làm gián tiếp cho khoảng 5-6 triệu lao động. Doanh nghiệp FDI cũng tiên phong trong đào tạo, nâng cao trình độ và tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Nhiều vị trí việc làm trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nay đã được thay thế bằng lao động Việt Nam. Việc thu hút và sử dụng FDI góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, kết quả trên đã chứng minh cho thành công của Chính phủ Việt Nam trong việc mở cửa thị trường và tự do hoá môi trường thương mại đầu tư. FDI là động cơ phát triển của kinh tế Việt Nam. Sự cởi mở hơn với thương mại quốc tế, chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý và lạm phát thấp đã giúp DN FDI tin tưởng tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam. 

 “FDI đã góp phần giúp Việt Nam vượt qua thách thức, từ một nước nghèo nỗ lực vươn lên thành nước có thu nhập trung bình. Khu vực FDI luôn song hành với sự nghiệp đổi mới, cụ thể hoá chủ trương mở cửa của Việt Nam và góp phần nâng cao tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 

“Đánh đổi” cũng... không ít 

Nhìn lại quãng đường 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng thẳng thắn cho rằng,  thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Nhiều dự án FDI chủ yếu gia công, lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình. Các DN FDI và DN trong nước thiếu sự liên kết. Chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư nước ngoài chưa đạt kết quả như kỳ vọng; số dự án đầu tư nước ngoài ở các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều. Đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực, như: nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, giáo dục đào tạo, y tế... và đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia còn khiêm tốn. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đầu tư đăng ký. Năm 2017, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện mới đạt khoảng 55,5%, nghĩa là có tới gần một nửa vốn đầu tư đăng ký chưa được thực hiện.

“Có trường hợp DN FDI gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Việc sử dụng đất đai và tài nguyên không tái tạo tại một số dự án FDI lãng phí và kém hiệu quả. Một số DN FDI chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế. Có trường hợp bên nước ngoài trong các liên doanh đã tạo áp lực, buộc Việt Nam phải nhượng lại phần vốn góp, chuyển doanh nghiệp liên doanh thành DN 100% vốn nước ngoài, làm hạn chế khả năng liên kết và chuyển giao công nghệ”, ông Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

FDI là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017. Năng suất lao động của khu vực đầu tư nước ngoài luôn ở mức cao, đóng góp lớn trong việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. Năm 2017, năng suất lao động của khu vực FDI cao hơn 3,7 lần năng suất bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách nhà nước từ khu vực FDI chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. 10 địa phương có nguồn thu ngân sách nhà nước lớn, 16 địa phương tự cân đối được ngân sách đều là những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI.

MỚI - NÓNG