Ngày 21/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 theo hình thức trực tuyến. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Theo báo cáo, năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội nói chung và việc triển khai công tác tư pháp nói riêng, nhưng toàn Ngành đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao.
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. Ảnh: Bộ Tư pháp. |
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng đầu tư nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với dịch bệnh COVID-19 được thực hiện kịp thời, trách nhiệm.
Tuy nhiên, trong năm 2021, công tác tư pháp, pháp chế vẫn còn một số hạn chế như một số văn bản chậm ban hành, chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, địa phương còn thấp.
Nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2022 sẽ tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, để có môi trường pháp lý phù hợp, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Phát huy giá trị con người Việt Nam, lấy con người là trung tâm, là chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật, mục tiêu cuối cùng là ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng mà cụ thể là Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để cụ thể hóa, thể chế hóa. Cần phải tháo gỡ được những khó khăn, nút thắt về thể chế.
Chia sẻ, cảm thông với những khó khăn trong xây dựng thể chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải tuân thủ pháp luật nhưng pháp luật không sát thực tiễn, pháp luật bị thực tiễn vượt qua thì phải mạnh dạn phát hiện kịp thời sửa đổi, kiên trì sửa đổi, chứ không trì trệ.
Điều nào mà đa số đồng tình ủng hộ thì luật hoá, còn điều nào vẫn băn khoăn, vướng mắc, chưa rõ, chưa chín thì làm thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.