> Nhiều giải pháp xử lý tồn kho bất động sản
> Tháo gỡ khó khăn bất động sản gắn với xử lý nợ xấu
Tồn kho gần 10.000 căn nhà
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, Hà Nội đã và đang triển khai 370 dự án phát triển khu đô thị, khu nhà ở với tổng diện tích sử dụng đất 17.765 ha.
Trong đó, đất xây nhà ở thương mại là 5.695 ha; đất xây dựng nhà ở xã hội 243 ha. Đến nay, tổng số căn hộ tồn kho (chưa bán hoặc chưa huy động vốn) là 5.789 căn, tương ứng 566.610 m2 sàn.
Nhà thấp tầng (biệt thự, liền kề) tồn kho 3.483 căn, tương ứng 874.825m2 sàn. Nhà thu nhập thấp còn tồn khoảng 330 căn hộ. Diện tích sàn văn phòng đủ điều kiện cho thuê tồn khoảng 175.000m2.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, hiện nợ xấu bất động sản tại Hà Nội chiếm khoảng 13% tổng dư nợ xấu ngân hàng. Thị trường nhà ở thương mại phân khúc cao cấp, thấp tầng đã rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu.
Thị trường bất động sản phát triển quá nóng thời gian qua cho thấy nhiều quy định, chính sách để quản lý chưa được ban hành kịp thời; vai trò điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, bị động...
“Vai trò quản lý nhà nước còn yếu, nhất là trong quy hoạch phát triển nhà ở. Dân còn nghèo mà quy hoạch toàn nhà to, nhà sang thì dẫn đến thừa và lại thiếu nhà nhỏ, nhà vừa với sức mua. Doanh nghiệp cần tính toán lại đầu tư cho phù hợp với nhu cầu thị trường”. |
Trước thực trạng trên, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và ổn định thị trường bất động sản, làm cơ sở để các bộ ngành trung ương, các địa phương tổ chức thực hiện; phê duyệt đề án xử lý nợ xấu; ban hành cơ chế, chính sách mở rộng tín dụng cá nhân để kích cầu mua nhà ở; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở tái định cư, nhà cho thuê, thuê mua, trả chậm, nhà công vụ; xem xét phê duyệt chính sách nhà ở cho đối tượng hưởng lương trên địa bàn thành phố; tiếp tục thực hiện quy định giãn nộp tiền sử dụng đất theo Nghị quyết 13 của Chính phủ; xem xét giảm thuế giá trị gia tăng đối với người mua nhà lần đầu; xem xét khoanh nợ xấu, giảm lãi suất tín dụng...
Tăng tỷ trọng nhà ở xã hội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiến nghị, Hà Nội cần thành lập ngay Ban công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tại địa phương, có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản; tiếp nhận và giải quyết kịp thời các kiến nghị của chủ đầu tư.
Phối hợp ban hành tiêu chí để phân loại các dự án và hoàn thành công tác rà soát, đặc biệt xem xét tiến độ triển khai các dự án khu đô thị mới ngoài vành đai 4 cho phù hợp nhu cầu thị trường.
Theo ông Trịnh Đình Dũng, đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng, nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì cho phép điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội phục vụ người nghèo, nhà ở cho công nhân, điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong dự án để phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đối với các công trình nhà ở đã hoàn thành, nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn thì tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Hà Nội nên ban hành và công bố trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án, chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang xây dựng nhà ở xã hội.
Bộ Tài Chính khẳng định sẽ kiến nghị Chính phủ gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 1, 2 và 3 năm 2013 đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; gia hạn 12 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2013 của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Bộ Tài chính cũng sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với thu nhập từ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho thuê, cho thuê mua (thuê rồi mua) hoặc bán nhà ở xã hội...
Lãi suất ưu đãi có thể xuống 4%/năm
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải kiểm soát được số lượng dự án phê duyệt.
“Tính đến nay số lượng dự án được phê duyệt đã đủ nhà ở cung cấp cho nhu cầu đến năm... 2050! Chiến lược nhà ở của Chính phủ là tăng nhanh diện tích nhà ở, nhưng nhà ở này là nhà cho người thu nhập thấp, cho người nghèo”, Thủ tướng chỉ đạo.
Nhà nước phải có chính sách thì người thu nhập thấp, đối tượng chính sách xã hội, cán bộ công nhân viên chức, mới cải thiện được điều kiện về nhà ở. Thời gian tới phải tăng cường quản lý nhà nước, rà soát lại quy hoạch, quan tâm nhà ở xã hội, đối tượng xã hội.
Hà Nội và các địa phương cần tập trung ban hành chính sách phát triển nhà xã hội, tạo thuận lợi và có chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia. Cần sớm ban hành chính sách cho người được mua, được thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Lãi suất tín dụng cho lĩnh vực này cũng cần được giảm xuống. Cần chọn một số địa phương làm thí điểm chương trình này và dành nguồn tín dụng để cho vay với lãi suất cơ bản.
Nếu lạm phát kiểm soát tốt chỉ còn khoảng 5-6%/năm thì lãi suất cho vay ưu đãi sẽ chỉ khoảng 4-5%/năm.
Thủ tướng giao Hà Nội và các bộ ngành khẩn trương nghiên cứu cơ chế chuyển nhà thương mại sang nhà tái định cư; rà soát, sửa đổi thủ tục hành chính cho phù hợp, thuận tiện hơn.
Chính phủ sẽ có đề án tổng thể xử lý nợ xấu và không phải là việc lấy ngân sách ra để xử lý.
Có thể thành lập doanh nghiệp mua lại nợ xấu để giúp doanh nghiệp, ngân hàng vượt qua khó khăn, cơ cấu lại nợ. Ngân hàng chỉ cho vay với dự án sắp hoàn thành sản phẩm và có đầu ra. Giao ngân hàng nghiên cứu chính sách cho vay kích cầu nhà xã hội...