Thủ tướng: Kinh tế phát triển nhanh nhưng cần bền vững

Mỗi thời kỳ, Tổng cục thống kê cần có kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, lĩnh vực.
Mỗi thời kỳ, Tổng cục thống kê cần có kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, lĩnh vực.
TP - Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhưng cần bền vững, có cơ sở khoa học, là “một con hổ kinh tế” chứ đừng là con hổ giấy. Để làm được điều này, những “con số biết nói” của ngành thống kê là cơ sở quan trọng xây dựng kịch bản và chiến lược phát triển cho từng địa phương và quốc gia.

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 22/1.

Lần đầu tiên có kịch bản kinh tế từng quý

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, ngành thống kê có vị trí quan trọng do là nơi tập hợp kết quả đầu ra của cả nền kinh tế một cách khách quan, trung thực. Từ kết quả đầu ra về kinh tế - xã hội, đã giúp cho việc hoạch định về các chiến lược và công tác quy hoạch, kế hoạch của quốc gia, của ngành, địa phương.

“Nhìn lại năm 2017, lần đầu tiên chúng ta có kịch bản tăng trưởng hàng quý. Khi quý 1/2017 tăng trưởng chỉ đạt thấp (mức 5,15%), nhiều người khuyến nghị nên điều chỉnh chỉ tiêu. Khi đó, tôi đã yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cùng với bộ trưởng Bộ KH&ĐT đưa ra các kịch bản tăng trưởng của quý 2, 3 và 4, làm rõ các sản phẩm chủ lực, các lĩnh vực cần tăng trưởng. Từ đó, tôi chỉ đạo, quy trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng, trưởng các đơn vị, các địa phương”, Thủ tướng cho biết.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là bài học kinh nghiệm quý của ngành thống kê. Hằng tháng, Tổng cục Thống kê có báo cáo cụ thể số liệu, tình hình kinh tế xã hội chính xác từng lĩnh vực, sản phẩm chủ đạo, qua đó, giúp Chính phủ đánh giá được thực chất hoạt động của từng ngành, có chỉ đạo cụ thể với từng bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên họp thường kỳ. Với số liệu đầu vào cụ thể, Chính phủ có chỉ đạo sát sao, chính xác đối với từng thành viên Chính phủ.

 “Chúng ta không chạy theo thành tích để đưa ra số liệu không cơ bản. Hệ thống số liệu chằng chịt, bổ sung lẫn nhau chứ không phải anh muốn tăng là được. Không có ông Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch nào yêu cầu đưa số liệu lên mà không có cơ sở khoa học”, Thủ tướng nhấn mạnh về tính trung thực của công tác thống kê.

Chấm dứt thống kê kiểu “cầm sổ ghi chép”

Ngoài đánh giá kết quả đạt được của Tổng cục Thống kê (GSO), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu cần khắc phục hạn chế như phương pháp, chế độ thống kê còn bỏ sót. Ngành thống kê cần nâng cao chất lượng công tác thống kê để phục vụ tốt hơn sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2018. GSO cần nâng cao chất lượng số liệu thống kê để tiến tới phân tích, đánh giá, hoạch định chính sách, số liệu nào chính sách đó, có đánh giá, dự báo. Tổng cục Thống kê cần tập trung nghiên cứu, áp dụng phương pháp thống kê mới, tiên tiến, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, GSO cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong điều tra số liệu. Trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, ngành thống kê cần áp dụng khoa học công nghệ để cán bộ thống kê không phải cầm sổ ghi chép số liệu.

Hơn nữa, để có con số chính xác làm kịch bản phát triển cho địa phương và quốc gia, từ số liệu cụ thể, GSO cần tìm giá trị gia tăng mới để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Từ đó chấm dứt tình trạng nền kinh tế Việt Nam chỉ đứng vượt trên các nước như Lào, Campuchia… Dù tìm cách tăng trưởng mới nhưng GSO không được nóng vội, có thể gây đổ bể hệ thống vĩ mô. Nền kinh tế Việt Nam có 3 khu vực kinh tế quan trọng (nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp xây dựng và dịch vụ) nhưng từng thời điểm, GSO phải đưa ra phương pháp tập trung phát triển từng khu vực cho phù hợp.

Một trong những nhiệm vụ được giao trong năm 2018 của GSO là tính toán khu vực kinh tế chưa được quan sát vào nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn ví dụ mỗi năm số lượng nhà lầu được xây dựng, xe hơi nhập khẩu lớn nhưng chưa tính được vào GDP. Từ việc tăng giá trị GDP, sẽ giúp hạ tỷ lệ nợ công xuống dưới chỉ tiêu của Quốc hội. Từ đó có dư địa để Chính phủ tìm nguồn phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, hạ tầng ở nhiều vùng còn khó khăn nhưng không thể huy động thêm vốn đầu tư vì nợ công đã đạt trần Quốc hội đặt ra.

“Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có thể đề xuất gặp Thủ tướng khi cần thiết, thông tin về những vấn đề quốc tế và trong nước đặt ra. Để từ đó tôi kịp thời chỉ đạo, điều hành, không để lâm vào bị động, bất ngờ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Chúng ta không chạy theo thành tích để đưa ra số liệu không cơ bản. Hệ thống số liệu chằng chịt, bổ sung lẫn nhau chứ không phải anh muốn tăng là được. Không có ông Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh nào yêu cầu đưa số liệu lên mà không có cơ sở khoa học”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

MỚI - NÓNG