Thủ tướng: Không để cổ đông lớn rút ruột ngân hàng

Thủ tướng: Không để cổ đông lớn rút ruột ngân hàng
TP - “Họp Chính phủ tôi nói, để lạm phát cao trước hết là Thống đốc phải chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ. Việc xử lý nợ xấu, bên cạnh NHNN, còn phải nhờ tới các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, không để cổ đông lớn rút ruột ngân hàng”- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, hôm qua, 9-1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2013.

> Thủ tướng: 'Thống đốc phải chịu trách nhiệm'
> Thủ tướng: 'Thống đốc phải chịu trách nhiệm về lạm phát'

Khoanh nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp

Nhìn lại năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cơ bản chúng ta đã đạt được những mục tiêu đề ra, trong đó có phần đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng.

Một trong những thành công phải kể đến là việc đưa lạm phát năm 2011 ở mức 19% xuống một con số là 6,8%. Cán cân thanh toán, dự trữ, cán cân vãng lai, tỷ giá ổn định dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đảm bảo 12 tuần nhập khẩu. Đây là mức lâu lắm rồi chúng ta mới quay lại được.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý: năm 2013 vẫn còn khó khăn. Dù mức 2012 chúng ta đạt tăng trưởng trên 5% nhưng vẫn còn thấp, nợ xấu còn cao.

Vì vậy phải tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát phải thấp hơn, tăng trưởng phải cao hơn, tạo điều kiện cho những năm sau.

Theo Thủ tướng, việc thanh tra, giám sát, cơ cấu lại ngân hàng làm như thời gian qua là đúng hướng. Những ngân hàng yếu kém đã được thanh tra, giám sát, làm rõ thực trạng.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ của NHNN là phải làm tốt hơn chức năng quản lý và tốt hơn nữa chức năng của ngân hàng T.Ư, đồng thời thực hiện hiệu quả và vững chắc hơn nữa trong điều hành chính sách tiền tệ.

“Họp Chính phủ tôi nói, trước hết để lạm phát thì Thống đốc phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Điều hành như thế nào tôi đều ủy quyền cho Thống đốc, kể cả phát hành, cung ứng tiền, làm sao phát huy để điều hành chính sách tiền tệ tốt đẹp như năm vừa qua. Gắn với đó là đi tiếp một bước, như với thị trường vàng, kiểm soát tốt tỷ giá, đảm bảo cán cân thanh toán. Đây không phải là nhiệm vụ chỉ của ngân hàng T.Ư mà cũng là nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại. Mà lợi ích của ngân hàng thương mại cũng là lợi ích của doanh nghiệp. Việc xử lý nợ xấu trăm sự nhờ ngân hàng”- Thủ tướng nói.

Về những nhiệm vụ trong năm 2013, Thủ tướng giao NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Bên cạnh phải đưa vốn vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Doanh nghiệp khó khăn thật sự phải cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, thậm chí là phải khoanh nợ...

Thủ tướng cũng yêu cầu phải làm tốt xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại ngân hàng. Doanh nghiệp khó khăn thì các ngân hàng phải tự xử lý. Cách thức có thể là bán tài sản thế chấp. Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ chính sách như tái cấp vốn thông qua thị trường mở.

Không để cổ đông lớn rút ruột ngân hàng

Một vấn đề quan trọng được Thủ tướng nêu rõ khi giao nhiệm vụ cho NHNN đó là không để tình trạng cổ đông lớn rút ruột ngân hàng. Theo đó, không để tình trạng một số cổ đông lớn khi lập ra các ngân hàng cổ phần và coi đó là ngân hàng của mình.

“Chúng ta phải hoạt động ngân hàng thực sự lành mạnh theo thông lệ quốc tế. Không được gian dối, tìm cách lấy tiền của xã hội để đầu tư. Một mặt các ngân hàng phải tự cơ cấu lại, mặt khác NHNN phải rà soát lại các thể chế, xem còn gì chưa phù hợp. Cơ cấu lại ngân hàng quan trọng nhất không để nợ xấu xảy ra nữa”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, năm 2013 tiếp tục có nhiều thách thức mới đối với ngành ngân hàng. NHNN đã xây dựng 8 nhiệm vụ và giải pháp lớn.

Trọng tâm tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, thị trường ngoại hối linh hoạt đồng thời đảm bảo tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, dự án hiệu quả sử dụng nhiều lao động…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG