Thủ tướng giải đáp nhiều câu hỏi, vướng mắc chính sách cho công nhân lao động

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 12/6 tại chương trình đối thoại với công nhân lao động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của công nhân.

Lắng nghe ý kiến công nhân lao động về bảo hiểm xã hội

Tại chương trình đối thoại, công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (SN 1982, Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, TPHCM) đặt vấn đề Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng bảo hiểm rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động khi công nhân, người lao động 40-45 tuổi.

“Đề nghị Chính phủ sửa đổi các quy định về bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Chúng cháu đều biết rút bảo hiểm thì khi về già không có lương hưu nhưng nhiều anh, chị, em khó khăn quá và thời gian đóng bảo hiểm dài nên vẫn rút”, chị Hà nói.

Thủ tướng giải đáp nhiều câu hỏi, vướng mắc chính sách cho công nhân lao động ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc đối thoại. Ảnh: Như Ý

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết: Trong quý I/2022, có tình trạng một tỉ lệ nhất định người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Đây là điều không tốt, gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu.

Theo ông Dung, việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐTB&XH chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội.

Trong các nhóm này, sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. Trước đây quy định là 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ.

“Ngoài ra, Luật sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khó khăn của công nhân để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình. Chúng tôi cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI và Hiệp hội DNNVV đang hướng dẫn các chủ sử dụng lao động và người lao động về vấn đề này. Qua đó, tình trạng rút BHXH 1 lần hiện đã giảm đi so với quý I/2022”, ông Dung nói.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Theo Thủ tướng, vừa qua, pháp luật về BHXH có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

"Các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm với nhau, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của luật pháp. Trên cơ sở đó, nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan, không có lợi cho nhân dân, đất nước...”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng giải đáp nhiều câu hỏi, vướng mắc chính sách cho công nhân lao động ảnh 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình đối thoại. Ảnh: Như Ý

Nhà ở cho công nhân là nhu cầu chính đáng

Liên quan đến ý kiến của công nhân đề cập đến vấn đề đầu tư nhà ở, trường học cho công nhân và con em công nhân, Thủ tướng cho biết, đây là vấn đề chính đáng, cần phải giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của công nhân. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng nhiều lần về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, trong giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu mét vuông nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước.

Theo ông Sinh, trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Bên cạnh việc hoàn thiện các thể chế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện dự án về thiết chế Công đoàn. Theo đó, Công đoàn có tham gia vào các hoạt động dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư dự án nhà ở, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các siêu thị để phục vụ công nhân tốt hơn.

Thủ tướng giải đáp nhiều câu hỏi, vướng mắc chính sách cho công nhân lao động ảnh 3

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quà cho công nhân lao động. Ảnh: PV

Theo ông Sinh, đối với nhà ở cho công nhân, hiện đang triển khai 116 dự án với quy mô 7,6 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân. Với kết quả này, trong thời gian tới, vấn đề nhà ở cho công nhân ngày càng được cải thiện.

Tại cuộc đối thoại, đại diện chủ đầu tư nhà ở cho công nhân tại Bắc Giang; Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nêu nhiều vướng mắc thực tế khi triển khai giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.

Về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, có an cư mới lạc nghiệp, quyền lợi của công nhân là được có nhà ở. Qua trao đổi của các đơn vị cho thấy có vướng mắc về pháp lý, liên quan một số Luật, Nghị định.

"Tôi giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân. Trên cơ sở đó, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay như Nghị định 49, Nghị định 100. Vấn đề gì liên quan đến luật pháp thì tổng hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn làm sao bằng giải pháp nhanh nhất có thể, để giải quyết vấn đề này căn cơ, bài bản, vừa bảo đảm tính trước mắt vừa bảo đảm lâu dài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cũng như phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay”, Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.