Hướng đền nền kinh tế “không tiếp xúc”
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) về thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp,
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dịch bệnh hiện vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, như tại Nhật Bản, châu Âu dịch quay trở lại. Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra cộng đồng và để giữ được đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, giữ ổn định xã hội, giải quyết việc làm, có sự tăng trưởng cần thiết.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đề cao tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, bảo đảm an toàn cung ứng, chú trọng thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế.
“Chúng ta phải giữ vững sản xuất nông nghiệp, chỗ dựa trong dịch bệnh, song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp với kinh tế số, du lịch. Thay đổi phương thức làm việc, vận hành trong nhiều lĩnh vực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa... hướng đến phát triển nền kinh tế không tiếp xúc”, Thủ tướng nói.
Liên quan đến việc thực hiện gói hỗ trợ doanh nghiệp người lao động trong dịch bệnh COVID-19 hiệu quả còn thấp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian tới sẽ điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.
Thu hút nhiều người tài vào quản trị đất nước
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí, (TP. Hà Nội) và đại biểu Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) về chọn được những người có đạo đức, có tài, có tầm, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm, trong đó xác định tiêu chí, điều kiện cụ thể về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn của từng vị trí làm cơ sở thực hiện tuyển dụng, đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức.
Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để quy định chi tiết chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Người có tài nhất phải được sử dụng, đề bạt.
“Người tài không chỉ làm trong nhà nước mà có thẻ làm ở doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, trong lĩnh vực kinh tế ngoài nhà nước… nhưng Nhà nước phải tìm cách thu hút nhiều người tài vào quản trị đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về chất vấn của đại biểu Ksor H’Bơ Khắp (tỉnh Gia Lai) liên quan đến văn hóa từ chức, Thủ tướng cho biết, vấn đề này đã được quy định tại Luật Cán bộ, công chức. Theo đó, cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không đủ sức khỏe; không đủ năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc vì lý do khác thì được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Bên cạnh đó, Quyết định 1847 của Thủ tướng cũng nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo chủ động xin thôi giữ chức vụ khi thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.
Song để có văn hóa từ chức, theo Thủ tướng mỗi cán bộ, công chức cần phát huy vai trò, trách nhiệm và tinh thần nêu gương, gương mẫu trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước.