Thủ tướng Chính phủ: Bứt phá của ngành công thương ở đâu?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công Thương. Ảnh: Thu An
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công Thương. Ảnh: Thu An
TP - Đánh giá cao những việc Bộ Công Thương đã làm được trong năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện chúng ta chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn, giá trị gia tăng cao, có vai trò dẫn dắt, Bộ cần cho thấy bứt phá của ngành công thương ở đâu.  

Tham tán thương mại phải làm việc nước trước, việc nhà sau

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công Thương ngày 17/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại 9 nhiệm vụ mà ông đã từng giao cách đây đúng 1 năm tại cuộc làm việc với Bộ Công Thương.

Cùng với đánh giá cao hội nghị công nghiệp phụ trợ mà Bộ Công Thương tổ chức mới đây trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) FDI đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn, Thủ tướng cho biết, công nghiệp hóa của Việt Nam hiện chỉ chiếm 0,2% của thế giới, kém Trung Quốc 100 lần và kém Thái Lan 5 lần. Thủ tướng giao Bộ Công Thương phải giải bài toán thu hút vốn từ các tập đoàn đa quốc gia, trong các lĩnh vực. Ông cho rằng, đến nay, tư duy chỉ có DN FDI mới sản xuất được sản phẩm công nghệ cao đã không còn đúng. Người đứng đầu chính phủ cũng nhắc Bộ Công Thương việc “bỏ sót”, không nói đến tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước hiện đã tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của khu vực các DN FDI.

“Nhiều quy hoạch ngành công thương triển khai chậm. Công nghiệp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn, giá trị gia tăng cao, có vai trò dẫn dắt. Trong 12 chữ Chính phủ đưa ra, có từ bứt phá và hiệu quả. Tôi cũng hỏi Bộ Công Thương, bứt phá của ngành công thương ở đâu”, Thủ tướng đặt câu hỏi và nói cần có sự bứt phá trong các lĩnh vực.

Nhấn mạnh vai trò phát triển thị trường, thúc đẩy xúc tiến thương mại, Thủ tướng Chính phủ nhắc Bộ Công Thương không được chủ quan, thỏa mãn trong công việc điều hành và phải thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đặt ra để cả nước lên được chuyến tàu 4.0. Với thị trường trong nước lên tới 100 triệu dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các địa phương tiếp tục xử lý căn bản các vấn đề về xuất khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường với sự tham gia của các tham tán thương mại, không được để mất thị trường trong nước.         

Cùng với việc phát triển thị trường, Thủ tướng nhắc các tham tán thương mại phải làm việc nước trước, việc nhà sau. Không phải tận dụng làm tham tán là để cho con đi học. “Tham tán thương mại phải lo được thị trường xuất khẩu, đầu tư, thương mại cho Việt Nam. Việt Nam có trở thành con hổ, con rồng hay không chính nhờ sự đột phát của ngành công thương”, Thủ tướng yêu cầu.

Chủ tịch UBND Hà Nội lo thiếu điện từ 2020

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, hiện nhiều dự án điện trên địa bàn thành phố đang bị chậm tiến độ và có thể kéo theo tình trạng thiếu điện cho thành phố từ 2020. Bộ Công Thương, EVN cần đẩy nhanh tiến độ thi công các đường dây truyền tải và trạm biến áp vì nếu không, với tình hình hiện nay, nếu không làm kịp thì đến 2020-2021 là Hà Nội sẽ rơi vào cảnh thiếu điện.  Ông Chung đề nghị có cơ chế với các dự án năng lượng tái tạo liên quan đồng thời ưu tiên mua điện giá cao hơn từ các nhà máy rác, đốt rác, qua đó khuyến khích sử dụng điện từ nguồn tái tạo.

Tại hội nghị,  người đứng đầu Chính phủ  cũng yêu cầu phải đảm bảo điện cho các thập niên tới. “Bộ Công Thương, EVN không thể báo mất điện, thiếu điện. Phải đảm bảo điện cho các thập niên tới. Anh nào để mất điện, cắt chức anh ý luôn”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và EVN cần có sự chuẩn bị dài hơi trong giai đoạn từ 2020-2030, không để nước đến chân mới nhảy trong đảm bảo điện cho nền kinh tế. Cùng đó, không để mất bò mới lo làm chuồng trong đảm bảo năng lượng. Bộ Công Thương phải coi đây là nhiệm vụ của ngành để thực hiện.

Bộ Công Thương cần công bố quy hoạch rõ ràng về phát triển điện lực, không để tình trạng xin cho trong quy hoạch phát triển điện lực.

Kiến nghị cho DN tư nhân được chia lửa trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia ông Lê Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội Geleximco, cho hay, đơn vị chính thức đưa vào vận hành thương mại nhà máy nhiệt điện Thăng Long từ tháng 7/2018. Tuy nhiên, để dự án này đi vào hoạt động, Geleximco phải mất tới 10 năm để làm các thủ tục xin cấp phép đầu tư, giải phóng mặt bằng, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí, trong khi bản thân việc xây dựng chỉ có 3 năm. "Khi nguy cơ thiếu điện là hiện hữu, doanh nghiệp nhà nước không thể triển khai nhanh, thì cần khai thác nguồn lực tư nhân", ông Lâm nói.

Về mục tiêu và nhiệm vụ của ngành công thương năm 2019, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, năm 2019 đặt câu chuyện nhập siêu 2% (tương ứng 3 tỷ USD) là điều không chấp nhận được trong bối cảnh năm trước chúng ta đã xuất siêu kỷ lục tới 7,2 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Bộ Công Thương phải tổ chức thực hiện đảm bảo xuất siêu.

Trước các yêu cầu và 9 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra với ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, 8 bất cập tồn tại được Thủ tướng chỉ ra thì ngành công thương sẽ tập trung khắc phục. Về sự đột phá của ngành, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, một mình ngành không làm được, cần có sự chung tay, gắn bó, chia sẻ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và các tổ chức chính phủ trong hệ thống chính trị của đất nước.  Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, cụ thể hóa và nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng nhắc Bộ Công Thương về việc nêu gương

Kết luận hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 17/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương cần tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, kỷ cương kỷ luật hành chính trong ngành gắn trách nhiệm nêu gương của các lãnh đạo trong bộ, ngành Công Thương với phương châm hành động của Chính phủ.  Thủ tướng cũng nêu rõ Văn phòng Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường cần lưu ý trong hoạt động. Tổng cục Quản lý thị trường đã hoàn thành việc sắp xếp lại, hoạt động từ cuối tháng 10/2018 nhưng vẫn chưa làm tốt công tác Đảng.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.