Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến hết năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu của công ty mẹ thuộc 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ước đạt 904.000 tỷ đồng, tổng tài sản ước đạt 1,616 triệu tỷ đồng.
Các doanh nghiệp đạt tổng doanh thu là 1,136 triệu tỷ đồng, bằng 105,15% so với kế hoạch và bằng 96,57% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính EVN, tương đương 2,18 tỷ USD), bằng 166,09% so với kế hoạch và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ nguồn lực lớn, phải làm ăn có lãi, đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng GDP và ngân sách Nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Ảnh: Nhật Minh |
Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động và nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tinh thần tấn công mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, kiên định các vấn đề nguyên tắc nhưng linh hoạt trong thực hiện công việc cụ thể, tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường.
Các bộ, ngành, Ủy ban phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần tất cả vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của các tập đoàn, tổng công ty; không đùn đẩy, né tránh, không phiền hà, sách nhiễu, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Giao các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam không được để thiếu điện; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bảo đảm đủ dầu, khí theo kế hoạch; Tập đoàn Than – Khoáng sản bảo đảm đủ than trên cơ sở kế hoạch dài hạn; Tổng Công ty Thép xử lý dứt điểm dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO 2); Vietnam Airlines cắt lỗ, xử lý các vấn đề tồn đọng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam không để thiếu xăng dầu…
Thủ tướng lưu ý các cơ quan thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội. Bộ Công Thương cải tiến lại cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng đơn giản, dễ kiểm tra, giám sát…
Về nhân sự, Thủ tướng yêu cầu bố trí đúng, trúng con người trên cơ sở căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch.